Dân vận khéo, kết quả cao
Nhờ được chú trọng, phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở huyện Phù Mỹ đã gieo vào lòng dân niềm tin về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thay đổi nhận thức đã làm thay đổi hành động trong cuộc sống. Năm 2014, huyện Phù Mỹ đăng ký thực hiện 454 mô hình dân vận khéo (DVK) và đã thực hiện được 614 mô hình, vượt kế hoạch trên 35%.
Nhờ chính quyền, các đoàn thể DVK, biết phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, người dân 16 xã xây dựng nông thôn mới ở Phù Mỹ đã hiến đất, cây lâu năm, đóng góp tiền bạc (trong đó có cả công ty, doanh nghiệp)… với giá trị hàng chục tỉ đồng để làm đường bê tông xi măng, kênh mương kiên cố, lắp đặt điện chiếu sáng… “Không chỉ riêng xây dựng nông thôn mới đâu, mọi việc từ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đến các chính sách an sinh xã hội đều được đưa ra công khai, bàn bạc; khi hiểu thấu đáo vấn đề, bà con bằng lòng hưởng ứng liền”, bà Đoàn Thị Kim Diệu, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Phù Mỹ, nói về công tác dân vận ở địa phương mình.
“Không chỉ riêng xây dựng nông thôn mới đâu, mọi việc từ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đến các chính sách an sinh xã hội đều được đưa ra công khai, bàn bạc; khi hiểu thấu đáo vấn đề, bà con bằng lòng hưởng ứng liền”
Bà ĐOÀN THỊ KIM DIỆU, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Phù Mỹ nói về công tác dân vận ở địa phương mình.
Không chỉ ở Mỹ Hiệp, Mỹ Lộc, Mỹ Trinh, Mỹ Hòa… mà ngay cả các xã miền núi như Mỹ Châu, DVK đã giúp bà con nông dân giải tỏa tâm lý ngại ngần, tích cực tham gia các mô hình “cánh đồng mẫu lớn” cây lúa, “cánh đồng mẫu” cây đậu phụng, với năng suất lúa tăng gần chục tạ/ha và cây đậu tăng ít nhất 5 tạ/ha so với lúa, mì đại trà.
Ông Phạm Hùng, nông dân thôn Vạn An, xã Mỹ Châu, vui vẻ cho biết: “Tui tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn 2 - 3 vụ rồi, sản xuất theo quy trình kỹ thuật hẳn hoi, chi phí không cao mà năng suất lúa, đậu đều cao, thu nhập khá ”. Nhiều mùa vụ vừa qua, Phù Mỹ đã sản xuất hàng ngàn héc-ta cây trồng các loại theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” và “cánh đồng mẫu”.
Phong trào thi đua DVK ở Phù Mỹ gắn với các mô hình do các tổ chức đoàn thể xã hội xây dựng ngày càng đạt kết quả tốt hơn. Bà Trần Thị Mỹ Kim, Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho biết: “Hội phát huy có hiệu quả mô hình “Hũ gạo tình thương” và “Heo đất tiết kiệm” với suy nghĩ và kết quả thực tế: Từ nhiều nắm gạo đã có nhiều tấn gạo, từ nhiều đồng bạc lẻ đã có nhiều chục triệu đồng để giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, Hội đẩy mạnh các mô hình “Tổ liên kết hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” (thị trấn Phù Mỹ), “Tổ phụ nữ nấu đám tiệc” (xã Mỹ An), “Tổ phụ nữ làm lưới thủ công” (xã Mỹ Cát), “Tổ phụ nữ se dây dừa” (xã Mỹ Lợi)... tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho nhiều chị em”.
Phong trào thi đua DVK còn chú trọng đến nội dung giữ gìn ANTT, nên nhiều mô hình “Thôn không có tội phạm”, “Tổ an ninh tự quản”, “Tộc họ không tội phạm và tệ nạn xã hội” ở nhiều thôn, xóm trên địa bàn huyện được xây dựng và phát huy. Ông Trần Đình Quý, trưởng tộc họ Trần ở xã Mỹ Cát, cho hay: “Vận dụng mô hình “Họ đạo không tội phạm và tệ nạn xã hội”, khi xã phát động, tộc họ Trần chúng tôi đã xây dựng mô hình “Tộc họ Trần tự quản về ANTT”. Hiệu quả là trong tộc họ không xảy ra tình trạng đánh lộn, uống rượu say, vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội”. “Từ hiệu quả của những mô hình ở địa phương, chúng tôi tiếp tục xây dựng nhiều mô hình như thế này trong thời gian tới”, ông Trần Minh Cảnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Dân vận xã Đảng ủy xã Mỹ Cát, tự tin nói.
Năm 2014, huyện Phù Mỹ có 471 mô hình DVK điển hình trên lĩnh vực kinh tế, 79 mô hình lĩnh vực văn hóa - xã hội và 64 mô hình lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đã và đang duy trì hoạt động với hiệu quả ngày càng cao.
Năm 2014, tổng giá trị sản xuất của huyện Phù Mỹ tăng 15,65% so với cùng kỳ, tỉ lệ hộ nghèo còn 7,36%, giảm 1,97%, 2 xã điểm Mỹ Hiệp và Mỹ Lộc đã đạt chuẩn nông thôn mới trước thời hạn 1 năm. Kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ từ phong trào thi đua DVK.
Bài, ảnh: XUÂN LỘC