Bảo tồn, phát huy giá trị di tích ở Hoài Nhơn
Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự ủng hộ của người dân, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện Hoài Nhơn đã đạt được những kết quả tích cực.
Địa phương có nhiều di tích
Trên địa bàn huyện Hoài Nhơn hiện có 14 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong đó, nhiều di tích đã và đang nhận được quan tâm đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị. Khu di tích lịch sử vụ thảm sát Ngã Ba Đình (xã Hoài Sơn) được đầu tư xây dựng các hạng mục và phát huy giá trị giáo dục truyền thống. Khu di tích Chiến thắng Chợ Cát (xã Hoài Hảo) đã xây dựng tượng đài, sân vườn, đường giao thông nội bộ… thu hút nhiều khách tham quan. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng VH-TT huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Ngoài một số di tích cấp tỉnh đã được đầu tư, hai di tích cấp tỉnh khác là Cấm An Sơn ở xã Hoài Châu và vụ thảm sát nhà thờ Thác Đá Hạ ở xã Hoài Đức đang được Đảng bộ và chính quyền địa phương phối hợp với huyện lập quy hoạch tổng thể, để tiến hành các bước đầu tư”.
Ba di tích quốc gia trên địa bàn huyện Hoài Nhơn đều đang được triển khai các dự án bảo tồn và phát huy giá trị. Từ sự đồng ý về chủ trương của Bộ VH-TT &DL, UBND tỉnh đã có Quyết định 1680 ngày 27.5.2014 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm Cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương (xã Hoài Thanh Tây). Tổng diện tích quy hoạch khu di tích là 2,54 ha, sẽ đầu tư xây dựng nhiều hạng mục như cụm tượng đài, quảng trường - sân sinh hoạt cộng đồng, nhà tiếp khách - tưởng niệm, trưng bày, hồ nước cảnh quan, chòi nghỉ… Hiện UBND huyện Hoài Nhơn và các đơn vị liên quan đang triển khai thực hiện các thủ tục để có thể xây dựng các hạng mục công trình trong thời gian sớm nhất.
Di tích quốc gia Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Duy Từ (xã Hoài Thanh Tây) cũng đã được Bộ VH-TT &DL thống nhất dự án bảo quản, tu bổ nâng cấp. Theo kế hoạch trong năm nay, sẽ xây dựng cầu, đường từ di tích Đền thờ đến di tích Cây số 7 Tài Lương. Đến năm 2016 sẽ khởi công dự án mở rộng khu vực Đền thờ và xây dựng các công trình… Di tích quốc gia Đồi 10 (xã Hoài Châu Bắc) đang được đầu tư làm sân hành lễ, sân khấu nhằm phục vụ các hoạt động kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện Hoài Nhơn và sau đó tiếp tục xây dựng các hạng mục khác.
Chung tay xây dựng và bảo vệ di tích
Một điểm thành công đáng ghi nhận trong công tác đầu tư cho di tích ở huyện Hoài Nhơn chính là sự huy động được những nguồn đóng góp xã hội hóa. Khu di tích chiến thắng Chợ Cát có kinh phí xây dựng hơn 2,7 tỉ đồng, thì hơn một nửa từ ngân sách xã Hoài Hảo và huy động sự đóng góp từ doanh nghiệp, người dân. Khu di tích lịch sử vụ thảm sát Ngã Ba Đình có kinh phí xây dựng hơn 900 triệu đồng, thì hơn
200 triệu đồng là đóng góp của Hội đồng hương xã Hoài Sơn ở nhiều nơi. Ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh, nhận xét: “Huyện Hoài Nhơn là địa phương điển hình trong tỉnh đã có những cách thức linh hoạt để vận động các nguồn kinh phí xã hội hóa cùng tham gia đầu tư cho việc xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng”.
Nhiều di tích trên địa bàn huyện Hoài Nhơn sau khi được đầu tư đã phát huy giá trị trong việc giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho các thế hệ hôm nay. Ý nghĩa các di tích luôn được ghi nhớ trong đời sống tinh thần của người dân, như Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi, Đồi 10, Ngã Ba Đình, chiến thắng Chợ Cát… Ông Nguyễn Văn Tiên, một người dân ở xã Hoài Hảo, chia sẻ: “Khu di tích chiến thắng Chợ Cát được đầu tư đồng bộ, có sân vườn nên hằng ngày có nhiều người đến ngồi chơi hay tập thể dục. Một số hoạt động biểu diễn văn nghệ cũng được huyện đưa về tổ chức tại đây, thu hút đông đảo mọi người đến xem. Người dân địa phương cũng luôn ý thức bảo vệ di tích”.
HOÀI THU