Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo đặt tiệc
Gần đây, trên địa bàn huyện Hoài Nhơn nổi lên chiêu lừa đảo mới: đối tượng giả đặt tiệc cưới để chiếm đoạt tài sản của chủ dịch vụ đám tiệc.
Trong những năm gần đây, dịch vụ phục vụ trọn gói đám tiệc tại gia đình ngày càng được nhiều khách hàng lựa chọn, bởi phù hợp với điều kiện của người dân nông thôn. Riêng ở huyện Hoài Nhơn, ngoài 8 nhà hàng lớn chuyên kinh doanh tổ chức tiệc cưới, hội nghị lớn ở 2 thị trấn, còn có trên 20 cơ sở tư nhân chuyên làm dịch vụ nấu, phục vụ đám tiệc tại các địa phương. Điều này đã tạo ra sự cạnh tranh ngầm giữa các chủ cơ sở bằng nhiều hình thức khuyến mãi, giảm giá. Lợi dụng cơ hội này, bọn lừa đảo vào cuộc. Từ giữa tháng 9.2014 đến nay, trên địa bàn huyện Hoài Nhơn đã xảy ra 4 vụ lừa đảo tại thị trấn Bồng Sơn, xã Hoài Đức, Hoài Xuân và Hoài Tân, chiếm đoạt của các chủ dịch vụ tổng số tiền trên 35 triệu đồng.
Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo là liên hệ với các chủ cơ sở đám tiệc, vờ môi giới đặt tiệc từ 50 - 100 mâm với giá 1,2 - 1,5 triệu đồng/mâm, đồng thời đề nghị chủ dịch vụ giao lại phần nhạc, thảm trải tiệc cho đối tượng làm. Vì số lượng mâm tiệc nhiều nên các cơ sở nấu đám sẵn sàng chia sẻ phần nhạc và đồng ý làm hợp đồng ngay. Vài ngày sau, đối tượng quay lại, xin điều chỉnh hợp đồng bằng cách nâng giá trị mâm tiệc lên cao hơn so với hợp đồng đã ký trước đó để “kích thích” các chủ dịch vụ về khoản lợi nhuận, sau đó yêu cầu tạm ứng khoảng 5-7 triệu đồng để đặt cọc thuê ban nhạc và thảm đỏ. Vì hợp đồng đã ký là trọn gói, cùng với tính toán được khoản lời sắp có được nên các chủ dịch vụ không chút nghi ngờ cho đối tượng ứng tiền nhiều đợt. Khi chiếm đoạt xong tiền, đối tượng cao chạy xa bay.
Điển hình, ngày 15.9.2014, có một cô gái đến nhà tìm gặp chị Nguyễn Thị Huệ, chủ dịch vụ tiệc cưới hỏi ở thôn Thuận Thượng 1, xã Hoài Xuân và đi thẳng vào vấn đề: “Em tên Hằng, nhà ở trước mũi tàu thôn Đệ Đức 3, xã Hoài Tân. Lâu nay nghe tay nghề nấu đám có tiếng của chị nên em lặn lội tìm đến chị đặt khoảng 200 mâm đãi tiệc cưới cho con bà cô ruột em ở Phù Mỹ, mỗi mâm 1,5 triệu đồng. Vì bà ấy rất khó tính, nên phần nhạc và trang trí chị để lại cho em”. Trước khi ra về, Hằng hẹn gặp chị Huệ tại nhà của mình để bàn bạc tiếp và không quên chỉ đường cặn kẽ.
Khi tìm đến nhà Hằng, chị Huệ thấy Hằng đang dắt xe ra ngoài cổng có ý chờ mình và tìm cớ mời chị ra quán cà phê nói chuyện. Tại đây, Hằng tiếp tục nói về “bà cô giàu có nhưng khó tính” của mình, cho biết mình có quen một số ban nhạc có tiếng ở Quy Nhơn và đề nghị chị Huệ cho cô ta ứng trước tiền để đi đặt cọc ban nhạc. Vì đã biết nhà và quá tin tưởng những lời ngọt ngào của cô gái nên chị Huệ đã ứng cho Hằng 3 lần, tổng cộng là 24 triệu đồng.
Đến gần ngày tổ chức đám cưới, chị Huệ gọi điện nhiều lần cho Hằng nhưng vẫn không liên lạc được. Linh tính mách bảo điều chẳng lành, chị Huệ đến nhà tìm thì được chủ nhà trả lời ở đây không có ai tên Hằng. Biết mình đã bị lừa, chị làm đơn tố cáo và ghi rõ đặc điểm của cô gái tên Trương Thị Hằng, khoảng 30-35 tuổi, cao khoảng 1,5m, khuôn mặt tròn, nước da trắng.
Cơ quan CSĐT CA huyện Hoài Nhơn nhận định, đây là phương thức lừa đảo mới của bọn tội phạm và đề nghị người dân, nhất là các nhà hàng, dịch vụ đám tiệc hãy nâng cao tinh thần cảnh giác, không để “mắc bẫy” của tội phạm, khi có nghi vấn thì kịp thời báo cáo cho cơ quan CA biết để kịp thời ngăn chặn, bắt giữ.
DIỆP BẢO SƯƠNG