Chuyên gia Pháp: Vốn FDI vào Việt Nam chắc chắn tăng trong năm 2015
Trong bối cảnh còn khó khăn của tình hình kinh tế thế giới và khu vực, kinh tế của Việt Nam trong năm 2014 đã đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý. Đây là nhận xét chung của nhiều chuyên gia kinh tế ở trong và ngoài nước. Liên quan đến chủ đề này, phóng viên VOV thường trú tại Pháp phỏng vấn Tiến sĩ kinh tế Philippe Delalande, chuyên gia của Pháp về Việt Nam về những thành tựu của kinh tế Việt Nam trong năm 2014.
PV: Thưa ông, với tư cách là một chuyên gia về Việt Nam tại Pháp, ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2014?
Ông Philippe Delalande: Về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2014, các định chế tài chính quốc tế và chính phủ Việt Nam đều đưa ra những đánh giá giống nhau về tình hình khả quan của nền kinh tế.
Có thể nói, cho tới cuối năm 2014, kinh tế Việt Nam đã được hồi phục. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của cả năm 2014 đã đạt 5,9%, tỷ lệ lạm phát chỉ ở mức trên dưới 4%, tỷ giá hối đoái được giữ ổn định, xuất khẩu của Việt Nam đã đạt 150 tỷ USD, đưa mức thặng dư xuất nhập khẩu lên 2 tỷ USD. Tỷ lệ nợ công của nền kinh tế được giữ dưới mức 50% thu nhập quốc dân (GDP).
Như vậy, với những thành tựu này, Việt Nam có thể lạc quan bước vào năm 2015 và đề ra những mục tiêu mới đầy tham vọng hơn so với năm 2014.
PV: Vậy, theo ông, đâu là những thành tựu nổi bật của kinh tế Việt Nam trong năm 2014? Và ngược lại, nền kinh tế Việt Nam còn có những tồn tại nào?
Ông Philippe Delalande: Thành tựu nổi bật nhất là trong vòng 4 năm qua, nền kinh tế của Việt Nam đã hoàn toàn được phục hồi. Vào thời điểm cuối năm 2010, mọi chỉ số kinh tế của Việt Nam đều ở mức báo động đỏ: lạm phát ở mức cao, đồng tiền liên tục mất giá, thâm hụt ngân sách và thương mại, dự trữ ngoại tệ gần như không còn, tăng trưởng kinh tế ở mức cầm chừng, đầu tư nước ngoài sụt giảm…
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo thực hiện một chính sách thắt chặt để vực dậy tình hình ngân sách chính phủ và lấy lại niềm tin vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn một số điểm yếu. Đó là việc cải cách hệ thống ngân hàng – việc mà chính phủ Việt Nam và các định chế tài chính luôn khẳng định nhưng chưa thực sự được thực hiện toàn diện. Lĩnh vực ngân hàng đã được cải cách 3 lần (từ năm 1998-2003, 2005-2008 và từ quý 3 của năm 2012 đến nay), tuy nhiên thành tựu đạt được còn hạn chế. Đó là các khoản tín dụng rủi ro, dù số này đã giảm. Đó là việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước, được bắt đầu từ năm 1991, nhưng chưa triệt để; hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước vẫn thực sự chưa hiệu quả. Đó là cuộc chiến chống tham nhũng… Đây là những điểm yếu của nền kinh tế.
PV: Ông có nhận xét gì về môi trường đầu tư của Việt Nam trong năm 2014? Và Việt Nam cần làm gì để tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này?
Ông Philippe Delalande: Trong nửa cuối năm 2014, chúng ta đã chứng kiến sự phục hồi của vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên trong năm 2015, bao gồm cả số vốn đầu tư mà tập đoàn đa quốc gia Samsung của Hàn Quốc vừa quyết định xây dựng 2 nhà máy xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư trị giá 2 tỷ USD.
Và để tiếp nhận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, đơn giản là phía Việt Nam cần giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà và biết lựa chọn nguồn vốn đầu tư. Tôi cho rằng, khi Việt Nam tạo thuận lợi và đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, chắc chắn đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại trong năm 2015.
PV: Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm mới 2015?
Ông Philippe Delalande: Tôi tin rằng triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 sẽ rất thuận lợi cho việc giải quyết hoặc ít ra là giảm những khó khăn trước đây trong lĩnh vực cải cách hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, đấu tranh chống tham nhũng… Đó cũng là lý do mà chính phủ Việt Nam đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2015 lên 6%.
Triển vọng của nền kinh tế là hoàn toàn thuận lợi nhưng còn một khó khăn, tôi cho rằng chính phủ của các bạn cũng đã ý thức được, đó là việc giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế của Trung Quốc. Do vậy, tôi cho rằng, nước Pháp có thể nắm được cơ hội này vì hai nước vừa ký hiệp định đối tác chiến lược với mong muốn tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư trong thời gian tới.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông.
Theo Đào Dũng (VOV)