Nên duy trì “Lớp học Ước mơ”
Sau 3 năm thực hiện, đến tháng 9.2015, Lớp học Ước mơ dành cho trẻ khuyết tật (thuộc Dự án Phát triển kỹ năng giao tiếp, ứng xử xã hội và ý thức tự chủ của trẻ khuyết tật nhiễm và nghi nhiễm chất độc màu da cam) tại Trường Tiểu học số 2 Cát Trinh, huyện Phù Cát sẽ kết thúc. Hiện nay, nhiều giáo viên giảng dạy và các bậc phụ huynh đang cùng trăn trở một suy nghĩ: Làm thế nào để lớp học tiếp tục được duy trì và nhân rộng?
Dự án Phát triển kỹ năng giao tiếp, ứng xử xã hội và ý thức tự chủ của trẻ khuyết tật nhiễm và nghi nhiễm chất độc màu da cam do Giáo sư người Nhật Michio Umegaki (Trường Đại học Keio, Nhật Bản) phối hợp với Hội CTĐ tỉnh và Hội CTĐ huyện Phù Cát tổ chức từ tháng 9.2012, với kinh phí tài trợ gần 2.000 USD/năm.
Những thành công đáng ghi nhận
Hiện Lớp học Ước mơ có 25 học sinh từ 5-30 tuổi tham gia và được học vào Chủ nhật hàng tuần. Không riêng gì xã Cát Trinh mà còn nhiều em nhỏ sinh ra vốn không may về hình hài, trí tuệ ở các địa phương khác trong huyện cũng được theo học tại lớp học đặc biệt này.
Theo cô Nguyễn Thị Hiền, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Cát Trinh, tại Lớp học Ước mơ, các em được học về khả năng giao tiếp, ứng xử với xã hội, học múa hát, viết và tập thể dục. Dù học sinh là những em khuyết tật, chậm phát triển nhưng ở lớp học này không có những ánh mắt xót xa, những cử chỉ ban ơn. Thay vào đó là tình cảm yêu thương, những nụ cười hạnh phúc.
“Chúng ta hoàn toàn có thể duy trì lớp học này bằng cách huy động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong nước đóng góp kinh phí để duy trì lớp học. Người nước ngoài còn tặng được 2.000 USD, lẽ nào chính chúng ta không huy động được từng đó tiền cho các cháu?”
Cô Nguyễn Thị Hiền, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Cát Trinh
Để làm được điều đó, ngoài trình độ chuyên môn, 8 giáo viên nhận trách nhiệm đứng lớp là những người giàu lòng nhân ái, giàu tinh thần trách nhiệm với nghề. Nhiều giáo viên đã tự nguyện gắn bó với lớp học từ tháng này qua tháng khác, giúp những đứa trẻ khiếm khuyết có những kỹ năng sống cần thiết, để hòa nhập với xã hội và hướng đến việc tự nuôi sống bản thân mình.
Nhờ những nỗ lực của gia đình, xã hội và nhà trường, đến nay, từ lớp học đặc biệt kể trên, nhiều học sinh - vốn tưởng chừng sẽ không thể nào làm được việc gì, không tìm thấy chỗ đứng trong cộng đồng, nay đã có thể trò chuyện với mọi người, phụ giúp gia đình làm một số công việc nhà. Điển hình là các em: Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Thị Thùy Linh (đều ở thôn Phong An, xã Cát Trinh), em Nguyễn Công Hậu (ở thị trấn Ngô Mây), em Trần Thị Phương Mai,…
Làm sao để duy trì lớp học?
Đó là trăn trở chung của nhiều giáo viên giảng dạy và các bậc phụ huynh có con em đang học tại Lớp học Ước mơ. Ông Huỳnh Văn Phụng, là người kết nối Giáo sư Michio Umegaki với Lớp học Ước mơ và cũng là người cha tinh thần của 25 em học sinh khuyết tật, tâm sự: “Cảm thông, sẻ chia với những thiệt thòi của trẻ em khuyết tật nên khi hay tin Giáo sư Michio Umegaki đến huyện Phù Cát để thăm dò và triển khai Dự án, tôi liền mạnh dạn đề xuất với ông. Theo kế hoạch ban đầu, dự án chỉ kéo dài trong 2 năm. Nhưng vì quá yêu quý đất nước và con người Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng, Giáo sư Umegaki quyết định tăng thời gian triển khai dự án thêm 1 năm nữa. Như vậy, đến tháng 9.2015, dự án sẽ kết thúc. Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm được nhà tài trợ nào khác để lớp học tiếp tục tồn tại”.
Còn ông Nguyễn Văn Hợi, ở thị trấn Ngô Mây, là ông ngoại của cháu Nguyễn Chí Tường (7 tuổi), bày tỏ: “Cháu của tôi không thể nói được, mặc dù gia đình đã cố gắng chữa trị nhiều nơi. Từ khi tham gia lớp học cách đây vài tháng, cháu Tường đã bi bô nói tiếng một được rồi, gia đình mừng lắm. Nay lại nghe thông tin lớp học sắp kết thúc do không có kinh phí, tôi rất buồn. Tôi đề nghị phụ huynh cũng cần chung tay một phần kinh phí để duy trì lớp học”.
Cô Nguyễn Thị Hiền, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Cát Trinh, đề xuất: “Chúng ta hoàn toàn có thể duy trì lớp học này bằng cách huy động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong nước đóng góp kinh phí để duy trì lớp học. Người nước ngoài còn tặng được 2.000 USD, lẽ nào chính chúng ta không huy động được từng đó tiền cho các cháu?”.
Có lẽ không cần phải nói nhiều về lý do, sự cần thiết nên duy trì Lớp học Ước mơ. Rất mong các ngành chức năng, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân và nhất là phụ huynh cần thấy được lợi ích xã hội từ mô hình này để tiếp tục duy trì, thậm chí có thể nhân rộng.
PHÚC LỘC
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định nên tiếp nhận lại dự án này để duy trì hoạt động ngôi trường đặc biệt này và xem đó là một mô hình hoạt động để tạo môi trường tiếp thu tốt nhất cho Trẻ em khuyết tật và kém may mắn. Đó là việc làm cần thiết và hữu ích nhất.