Mở rộng những góc nhìn tôn vinh bài chòi
Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật bài chòi dân gian Việt Nam và những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới” được tổ chức tại TP Quy Nhơn trong hai ngày 13 - 14.1, đã đem đến những góc nhìn đa dạng của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế về những giá trị độc đáo của bài chòi dân gian Việt Nam.
Vườn hoa nhiều sắc thái
Qua các tham luận về Diễn xướng dân gian hò bài thai ở Phú Xuân Huế (Huỳnh Đình Kết), Nghệ thuật chơi bài chòi Quảng Trị (Cái Thị Vượng), Nghề hát bài chòi ở Khánh Hòa (Nguyễn Tứ Hải), Đặc trưng nghệ thuật bài chòi ở Quảng Nam - Đà Nẵng (Trần Hồng), Về phục dựng hội đánh bài chòi dân gian Bình Định (Nguyễn An Pha), Vài chặng đường phát triển của âm nhạc, nhạc hát nhạc đàn trong nghệ thuật bài chòi Bình Định (Nguyễn Minh Dũng), Nhận diện nghệ thuật bài chòi miền Trung qua đợt điền dã do Viện Âm nhạc tổ chức... đã cho thấy dựa trên những đặc điểm về nghệ thuật trình diễn, cách tổ chức và sự dị biệt trong các hình thức sinh hoạt chính, có thể phân tách thành hai vùng rõ rệt trong sinh hoạt nghệ thuật bài chòi của người dân miền Trung.
Các nhà nghiên cứu quốc tế về dự Hội thảo đã được mời tham gia Hội đánh bài chòi cổ Bình Định.
Vùng bài chòi thứ nhất gồm các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ (từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế) thì bài chòi chỉ mang ý nghĩa chính là hội chơi, điệu hát chủ đạo là các bài dân ca địa phương, có tính chất chậm rãi, nhẹ nhàng. Vùng bài chòi thứ hai ở các tỉnh, thành Nam Trung bộ (từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa) thì bài chòi dân gian ngoài hình thức hội chơi, còn phát triển thành nhiều loại hình trình diễn mang nét đặc trưng. Ngay cả trong vùng bài chòi thứ hai cũng có nét khác biệt, như các hiệu trong hội đánh bài chòi ở các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên thì cách hát, diễn khác với Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. GS.TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đã nhận xét: “Bài chòi như vườn hoa chung có nhiều sắc thái. Trong đó, nghệ thuật bài chòi ở mỗi địa phương, mỗi vùng đều có những giá trị độc đáo riêng cần được quan tâm, nhìn nhận đúng trong công tác bảo tồn và phát huy”.
Muốn làm tốt việc xây dựng Hồ sơ quốc gia Nghệ thuật bài chòi dân gian Trung bộ hướng đến đề cử UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại, cần nhận diện đúng thế nào là bài chòi dân gian. Từ sự đa dạng với những giai đoạn phát triển của nghệ thuật bài chòi dân gian, trong hội thảo đã có những ý kiến đề xuất “mở rộng” thêm đối tượng xây dựng hồ sơ. PGS.TS Nguyễn Thụy Loan cho rằng: “Những gánh bài chòi ngày xưa vẫn biểu diễn loại hình kịch hát mang đầy đủ những đặc tính của loại hình sân khấu kịch hát dân gian tương tự như các gánh chèo và chèo sân đình ở ngoài Bắc trong những thế kỷ trước. Vấn đề là ở chỗ cần phân biệt sân khấu bài chòi dân gian với loại hình sân khấu bài chòi “quốc doanh” hoặc sân khấu bài chòi mới. Nếu như chỉ coi hô bài thai, bài chòi độc diễn là nghệ thuật bài chòi dân gian, mà loại bỏ sân khấu bài chòi ra khỏi đối tượng xây dựng hồ sơ quốc gia về nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung sẽ là sự xâm phạm đến “chỉnh thể toàn vẹn” của nghệ thuật bài chòi dân gian mà các nghệ nhân đã dành bao tâm huyết sáng tạo và phát triển”.
Nhiều góc nhìn từ học giả quốc tế
GS.TS Yves Defrance (Pháp) đánh giá bài chòi là hình thức sân khấu âm nhạc độc đáo. Ông cho biết cảm thấy thú vị khi tìm thấy ở bài chòi những nét tương đồng chung với nghệ thuật truyền thống Asiklik ở Thổ Nhĩ Kỳ. Asiklik là hình thức trình diễn một cách ngẫu hứng những đoạn thơ kể dựa trên những câu chuyện truyền thống và sự hài hước, người biểu diễn cũng kết hợp nói lối cùng nhau hoặc cùng thi sáng tạo với các nhạc công khác. GS.TS Yves Defrance nhận xét: “Một khía cạnh quan trọng của bài chòi là nghệ thuật ngẫu hứng từ người biểu diễn, nó làm cho nghệ thuật này phong phú và cực kỳ thú vị. Bài bản bài chòi dựa trên lời ca văn học và những mô hình giai điệu độc đáo khác nhau. Nhiều câu chuyện và đường nét cao độ giai điệu được sử dụng lại, cùng một vở diễn bài chòi dân gian nhưng người nghệ nhân không bao giờ diễn giống nhau y chang.
TS Boungtheng Souksavatd (Lào) khi đi sâu vào tìm hiểu, phân tích vai trò anh hiệu trong bài chòi, đã thấy có sự gần gũi với những Khô xốc trong nghệ thuật múa Lăm Vông của Lào. TS Boungtheng Souksavatd nhìn nhận: “Vai trò của họ chẳng khác gì các M.C thời đại, là người dẫn chương trình chính nên các buổi biểu diễn không thể thiếu. Cũng phần nào giống như hiệu, Khô xốc là người điều khiển buổi biểu diễn một cách linh hoạt nhờ có biệt tài diễn thuyết đầy tâm lý nghệ thuật, dễ chinh phục và lôi cuốn người nghe. TS Seong- Yong Part (Hàn Quốc) thì giới thiệu chung về những di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc như Baltal, Jindo dasiraegi, Pansori có những nét tương đồng với bài chòi. Trong đó, Pansori là nghệ thuật hát kể độc diễn theo hình thức đơn ca có đệm trống, thể hiện những bài hát kể dài với một giọng hát nội lực mạnh mẽ, kỹ thuật nửa hát nửa nói, các động tác kịch… đã được UNESCO tôn vinh là Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại từ năm 2003.
Từ thực tế bảo tồn di sản Pansori, TS Seong-Yong Part cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói chung, di sản bài chòi nói riêng. “Việc bảo vệ di sản mà không có sự tham gia của cộng đồng sẽ gặp bất lợi. Do đó, một cộng đồng gắn với di sản văn hóa phi vật thể có thể nhận được sự hỗ trợ để bảo vệ như nhận dạng tài liệu, phục hồi các di sản từ các tổ chức liên quan. Ngoài ra, khi các tổ chức liên quan thực hiện biện pháp bảo vệ di sản đặc biệt, trước tiên phải nhận được sự đồng thuận của cộng đồng” - TS Seong-Yong Part phân tích.
Hoài Thu