Hoạt động nuôi tôm năm 2015:
Tuân thủ lịch thời vụ, chú trọng chất lượng con giống
Sở NN&PTNT vừa triển khai công tác nuôi tôm nước lợ và ban hành lịch thời vụ nuôi tôm năm 2015; khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật nuôi tôm trong niên vụ mới. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh về vấn đề này.
* Xin ông cho biết về việc triển khai vụ nuôi tôm mới năm 2015?
- Theo kế hoạch, năm nay toàn tỉnh sẽ triển khai nuôi trồng thủy sản khoảng 2.200 ha mặt nước, trong đó có khoảng 520 ha nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT), còn lại là nuôi tôm sú xen với các loại thủy sản khác. Theo lịch thời vụ vừa được ban hành, vụ nuôi tôm năm 2015 sẽ chính thức thả giống vào đầu tháng 2 đối với các vùng nuôi tôm trên cát, vùng cao triều chủ động nguồn nước cấp và xả thải, các vùng nuôi tôm tập trung có hệ thống hạ tầng thủy lợi tốt như Công Lương - xã Hoài Mỹ, xã Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn), vùng Đông Điền, Lạc Điền - xã Phước Thắng (Tuy Phước) bắt đầu vào giữa tháng 2; các vùng nuôi còn lại bắt đầu từ tháng 3.
Nhằm trang bị cho người nuôi tôm (NNT) trong tỉnh các kiến thức KHKT về nuôi tôm, hạn chế đến mức thấp nhất các loại dịch bệnh, ngay từ đầu tháng 1, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn về lịch thời vụ nuôi tôm, cải tạo hồ nuôi, chuẩn bị nguồn tôm giống… để bước vào vụ nuôi mới. Đơn vị cũng đã phối hợp với Chi cục Thú y kiểm tra tôm giống tại các đơn vị sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh; yêu cầu chủ cơ sở phải kiểm dịch tôm giống nghiêm ngặt trước khi xuất bán; khuyến cáo NNT nên chọn mua con giống chất lượng tốt tại các cơ sở sản xuất tôm giống có uy tín. Tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh các loại vật tư thủy sản, kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo chất lượng…
* Mặc dù ngành chức năng đã khuyến cáo NNT tuân thủ đúng lịch thời vụ nhưng trên thực tế tại một số địa phương vẫn có tình trạng “xé rào” thả tôm trước lịch, đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?
- Nguyên nhân của việc thả tôm trước lịch là do tập quán nuôi tôm của người dân các địa phương, với mong muốn thả tôm sớm để có thu hoạch sớm, được giá cao hơn. Tuy nhiên, thực tế sản xuất thời gian qua cho thấy, nếu NNT không tuân thủ đúng lịch thời vụ, thả tôm sớm thường xảy ra dịch bệnh do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, tỉ lệ rủi ro cao. Để khắc phục tình trạng này, bước vào vụ nuôi tôm năm nay, Chi cục đã tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức về kỹ thuật nuôi tôm cho người dân, vận động NNT phải tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ, nhằm ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh tôm gây ra.
* Gần đây, việc nuôi TTCT trên cát tại một số địa phương đã mang lại hiệu quả khá cao. Song cũng còn nhiều ý kiến lo ngại việc phát triển nuôi TTCT một cách tự phát nếu không được quản lý tốt sẽ phá vỡ quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch bệnh tôm. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Qua thực tiễn nuôi TTCT tại các địa phương đã cho hiệu quả kinh tế khá cao do nuôi theo phương pháp thâm canh, bán thâm canh. Tuy nhiên, cũng còn nhiều điều rất đáng ngại từ việc nuôi TTCT. Đó là tình trạng NNT đang có xu hướng phát triển nuôi ngoài vùng quy hoạch. Tại một số vùng nuôi ở huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Phù Cát nhiều hộ đã tự ý san ủi, xây dựng ao nuôi tự phát trong vườn nhà, vùng bãi biển ven tỉnh lộ 639, trong khi thiếu hệ thống ao xử lý chất thải, hệ thống cấp - thoát nước, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh tôm. Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ phục vụ nuôi tôm với khối lượng lớn sẽ gây nhiễm mặn tầng nước ngọt, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân trong vùng. Nguồn chất thải ao nuôi tại các vùng nuôi tôm trên cát chưa được xử lý tốt, cũng là nguyên nhân gây dịch bệnh tôm bùng phát.
Hiện nay, Chi cục đã khuyến cáo NNT không nên phát triển nuôi tôm một cách tự phát, có thể một vài vụ nuôi đầu đạt năng suất cao, nhưng càng về sau nguy cơ thất bại càng lớn do môi trường nuôi bị ô nhiễm. Để phát triển nuôi tôm bền vững, chỉ những nơi đã quy hoạch để nuôi tôm, có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, có nguồn cung cấp nước ngọt mới đầu tư phát triển nuôi TTCT.
* Trước khi bước vào vụ nuôi tôm mới, ông có khuyến cáo gì thêm với NNT?
- Để việc nuôi tôm đạt hiệu quả cao, mang tính bền vững, NNT phải thực hiện các giải pháp nuôi đồng bộ, thực hiện đúng lịch thời vụ quy định. Cần xây dựng, duy trì các tổ nuôi tôm cộng đồng ở các vùng nuôi tôm nhằm tăng cường sự hỗ trợ trong sản xuất, cùng nhau phát hiện sớm dịch bệnh tôm để dập tắt kịp thời; thực hiện việc thả tôm giống đạt chất lượng, kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi. Các vùng nuôi TTCT trong năm trước bị dịch bệnh, năm nay nên chuyển sang nuôi tôm sú xen với các đối tượng thủy sản khác. Hiện nay, bệnh chết sớm trên tôm có chiều hướng giảm nhưng bệnh đốm trắng lại có xu thế gia tăng, NNT cần lưu ý và có giải pháp đề phòng dịch bệnh xảy ra.
Về mật độ nuôi, tùy theo điều kiện cụ thể từng vùng, điều chỉnh phù hợp và nằm trong khung mật độ hướng dẫn của lịch thời vụ. Trước khi thả nuôi thương phẩm, nên ương tôm từ 20-30 ngày. TTCT ương từ cỡ giống P12; tôm sú ương từ cỡ giống P15. Theo dõi chặt kết quả phân tích mẫu quan trắc môi trường tại từng vùng nuôi để có sự điều chỉnh về kỹ thuật nuôi cần thiết.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)