Tăng cường công tác bảo vệ rừng
Thời gian trước Tết Nguyên đán, hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái phép thường diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR).
Hiệu quả BVR chưa cao
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, năm 2014, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm (KL) tăng cường cán bộ đứng chân địa bàn, tham mưu chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác QL-BVR; phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội và các hội đoàn thể tổ chức 394 đợt tuyên truyền phổ biến Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV-PTR), thu hút 27.036 chủ rừng, các doanh nghiệp kinh doanh chế biến gỗ, nhà hàng, dịch vụ và nông dân các địa phương trong tỉnh tham gia. Lực lượng KL và các ngành chức năng đã tiến hành điều tra, thu thập danh sách các đối tượng phá rừng ở một số địa phương có điểm nóng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản và động vật rừng trái phép, tổ chức cho 979 hộ dân ký cam kết BVR.
Sở NN-PTNT cũng đã chỉ đạo Hạt KL các huyện: Vân Canh, Tây Sơn, An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Đội KL cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) tăng cường lực lượng để ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép tại các khu rừng phòng hộ, rừng giáp ranh giữa các huyện và tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp tại các địa phương. Năm 2014, Hạt KL các địa phương đã tổ chức 1.243 đợt tuần tra, kiểm tra rừng; tổ chức 458 đợt tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn các chủ rừng thực hiện các biện pháp QL-BVR và PCCCR. Tuy vậy, tình trạng lấn chiếm đất rừng, chặt phá, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép và tình trạng cháy rừng vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi.
Trong năm, lực lượng KL đã phát hiện 95 vụ phá rừng phòng hộ với tổng diện tích 60,716 ha tại các huyện Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Hoài Ân, Vân Canh; kiểm tra, phá hủy 282 lò hầm than; 31.370 kg than hầm và 36 lán trại; gỡ bỏ 483 bẫy thú rừng; tạm giữ 59,805 m3 gỗ các loại, 16 ster củi cùng 103 phương tiện, dụng cụ, máy móc của các đối tượng phá rừng.
Tình hình cháy rừng cũng diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trong tỉnh, đã xảy ra 57 vụ cháy rừng, tăng 50 vụ so với năm trước, tổng thiệt hại 414,24 ha rừng. Hạt KL các huyện và Đội KL cơ động - PCCCR đã xử phạt hành chính 598 vụ và xử lý hình sự 5 vụ vi phạm Luật BV-PTR.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đời sống sản xuất của người dân sống gần rừng gặp nhiều khó khăn; lợi ích của việc trồng rừng nguyên liệu giấy là rất lớn; nhu cầu về đất canh tác, sản xuất nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số tăng, trong khi đất sản xuất ở một số địa phương miền núi, vùng cao bị thu hẹp bởi các dự án thủy điện, nên người dân đã lấn chiếm đất và chặt phá cây rừng để trồng rừng sản xuất.
Hơn nữa, chính quyền một số địa phương còn buông lỏng công tác QL-BVR, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Các chủ rừng chưa đủ năng lực để quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao khoán; các cơ quan quản lý nhà nước chưa quản lý hiệu quả việc sử dụng, sang nhượng, lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp; công tác tổ chức giao khoán QL-BVR cho hộ gia đình, cá nhân ở một số nơi chưa tốt. Trong khi đó, việc xử lý các đối tượng có hành vi xâm hại rừng ở cơ sở còn chưa kiên quyết… Do vậy, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và tình trạng cháy rừng trong năm 2014 diễn biến phức tạp.
Tăng cường các biện pháp QL-BVR
Ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh, cho biết: Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, truy quét ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái phép trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015. Chi cục đã chỉ đạo lực lượng KL phối hợp với các ngành, hội, đoàn thể, các chủ rừng, chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sống gần rừng về các quy định QL- BVR, PCCCR bằng nhiều hình thức, để người dân hiểu và chấp hành. Hạt KL các huyện, thành phố, các đội KL cơ động phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành và chính quyền các địa phương, các chủ rừng triển khai lực lượng tuần tra, truy quét, chốt chặn tại các điểm nóng phá rừng; kiểm tra các nhà hàng, khách sạn và các cơ sở chế biến, kinh doanh động vật rừng có dấu hiệu trái với các quy định của Nhà nước.
Chi cục cũng đã thành lập tổ công tác trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện kế hoạch đề ra và yêu cầu Hạt KL các địa phương phối hợp với ngành chức năng điều tra, xác minh làm rõ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật trên lĩnh vực QL-BV-PTR và quản lý lâm sản.
Để công tác QL-BVR đạt hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, chính quyền các địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức BVR cho mỗi người dân, từng bước xã hội hóa công tác QL-BVR. Mặt khác, các địa phương phải thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng, có chính sách khuyến khích người dân trồng rừng; quy hoạch lại vùng nương rẫy cấp cho người dân sản xuất lâu dài, đồng thời hướng dẫn các biện pháp quản lý, chăm sóc, BVR trồng, để người dân có điều kiện sống được nhờ nhận khoán BVR và gắn bó với rừng. Một khi đời sống của người dân được cải thiện, rừng đã có chủ sẽ hạn chế được tình trạng rừng bị xâm hại.
PHẠM TIẾN SỸ