Xã Cát Minh (Phù Cát): Vì sao người dân vẫn sống ở vùng nguy hiểm
Báo Bình Định số ra ngày 1.11.2014 có bài viết: “Thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh (Phù Cát): Nhiều hộ dân sống ở khu vực không an toàn” phản ánh về việc 24 hộ dân với gần 100 nhân khẩu ở khu vực núi Gành, thuộc thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh (Phù Cát) xây dựng nhà ở sát chân núi, sườn núi, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở núi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Đường dẫn đến nhà dân sống tại khu vực núi Gành dốc đứng, rất trơn trợt, nhất là vào mùa mưa.
- Trong ảnh: PV dắt xe “xuống núi” phải nhờ người đi sau níu giữ.
Đến nay, số hộ dân đang sống sát chân núi hoặc sườn núi không giảm đi, mà còn tăng thêm. Hiện, nơi này có đến 26 hộ gia đình với hơn 100 nhân khẩu sinh sống. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hầu hết những người sống ở khu vực trên đều thuộc diện khó khăn về đất ở nên tự ý chiếm đất, xây dựng nhà ở trái phép.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã có phương án xen cư hoặc xây dựng khu tái định cư mới nằm giữa thôn Đức Phổ 1 và Đức Phổ 2 cho những hộ dân trên với diện tích đất được hỗ trợ từ 100 - 200m2 cùng 10 triệu đồng tiền hỗ trợ tháo dỡ, vận chuyển vật liệu đến nơi ở mới. Tuy vậy, các hộ dân ở đây nại nhiều lý do để ở lại. Theo ông Trần Minh Trung, một người dân sống ở khu vực núi Gành, thì số tiền hỗ trợ di dời thấp, không đủ để xây cất nhà cửa. Chưa kể, nơi ở mới được xã bố trí cạnh đầm, nền đất yếu, dễ sụt lún.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND xã Cát Minh, cho biết: “Cuộc sống của 26 hộ dân ở sát núi Gành là rất khó khăn, nguy hiểm nên việc di dời đến nơi ở mới an toàn hơn là chủ trương hoàn toàn hợp lý. Việc bố trí đất ở và hỗ trợ một phần tiền tháo dỡ vận chuyển là nỗ lực của địa phương, người dân không nên đòi hỏi quá đáng. Sắp tới, nếu người dân vẫn không thực hiện di dời thì UBND xã Cát Minh sẽ kiên quyết áp dụng một số chế tài đối với các hộ dân nói trên”.
PHÚC LỘC