Tuy Phước: Tăng tốc xây dựng nông thôn mới
Qua 4 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), với quyết tâm phát huy nội lực, năng động trong cách làm và được người dân ủng hộ, huyện Tuy Phước đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Nhìn lại thời điểm đầu triển khai XDNTM, cả 11 xã XDNTM trên địa bàn huyện đều có xuất phát điểm tương đối thấp khi so sánh với 19 tiêu chí (TC) NTM quy định.
Từ xuất phát điểm thấp
Theo số liệu thống kê của huyện, tại thời điểm cuối năm 2010, không xã nào đạt được đến 12/19 TC, đặc biệt là 5 tiêu chí: giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn. Các TC này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, khả năng ngân sách từ huyện đến các xã không đảm bảo yêu cầu đầu tư đặt ra. Một số TC khác, tuy “mềm” hơn, nhưng lại rất khó đạt được và duy trì thường xuyên như: môi trường, văn hóa, giáo dục. Những tiêu chí này, vào năm 2010, cũng chưa xã nào ở Tuy Phước đạt được. Xã Phước Hưng là địa phương có xuất phát điểm tốt nhất với 7 TC, thấp nhất là Phước Nghĩa và Phước Thuận, đạt được 3 TC.
Ông Lê Công Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nghĩa (xã gần như thuần nông, được chọn làm điểm XDNTM của huyện), cho biết: “Để có vốn đầu tư, xã chọn giải pháp huy động nhiều nguồn lực cùng lúc. Cùng với việc tiếp nhận nguồn vốn XDNTM của Trung ương, nguồn vốn tỉnh, huyện, ngân sách xã, xã còn tranh thủ huy động đầu tư từ các dự án và huy động người dân đóng góp kinh phí, công lao động. Đặc biệt cả hệ thống chính trị của xã cùng vận động để người dân ở những nơi có công trình đường giao thông, kênh mương đi qua, tự nguyện hiến đất để xây dựng!”. Với phương thức đó, 4 năm qua (2011-2014), Phước Nghĩa tiến được một bước dài trên con đường XDNTM. Cụ thể xã đã huy động được gần 28 tỉ đồng (trong đó nhân dân đóng góp hơn 1,1 tỉ; chưa kể bà con còn tự nguyện hiến 10.500 m2 đất) để xây dựng các công trình. Đến cuối năm 2014, Phước Nghĩa đã đạt 17/19 TC NTM.
Điều đáng mừng là bước đi của Phước Nghĩa tuy vậy vẫn chưa phải đã là ngoạn mục nhất. Xã Phước An là một trường hợp đặc biệt. Phước An có tốc độ bứt phá XDNTM nhanh nhất huyện. Trong 4 năm, xã đã huy động được hơn 52 tỉ đồng (trong đó 2,1 tỉ do các doanh nghiệp đóng góp, 500 triệu đồng do người dân đóng góp) đầu tư vào các lĩnh vực. Từ 6 TC đạt được năm 2010, đến tháng 6.2014, xã đã hoàn thành 19/19 TC, là một trong hai xã đầu tiên của tỉnh về đích trong năm 2014.
Thu hoạch lớn từ nỗ lực XDNTM
Qua 4 năm triển khai XDNTM, đến nay toàn huyện Tuy Phước có 5 xã đạt từ 14 đến 19 TC; 4 xã đạt từ 9 đến 13 TC và 2 xã đạt từ 5 đến 8 TC. Đây là kết quả rất khả quan, tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo huyện cũng như các ngành, chính quyền các xã ở huyện Tuy Phước vẫn rất nghiêm khắc - Tuy Phước vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều, bởi đến thời điểm này trên địa bàn huyện vẫn còn 3 xã chưa đạt TC giao thông, 7 xã chưa đạt TC thủy lợi, 9 xã chưa đạt TC trường học và cơ sở vật chất văn hóa, 8 xã chưa đạt TC môi trường, 3 xã chưa đạt tiêu chí thu nhập. Phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo kế hoạch, 3 xã điểm XDNTM của huyện gồm Phước Thành, Phước Nghĩa, Phước Hưng đến nay đều đạt 17/19 TC NTM, đang tăng tốc hoàn tất 2 TC còn lại để về đích trong năm 2015. Huyện đã chỉ đạo 7 xã còn lại kiểm tra, rà soát chính xác mức độ đạt được ở từng địa phương, xây dựng kế hoạch xây dựng cụ thể để thực hiện theo phương châm TC nào có khả năng đạt được chuẩn phải quyết liệt làm ngay để về đích càng sớm càng tốt, không chờ đến năm 2020 mới hoàn thành.
Trong thời gian đến, phát huy nhưng hiệu quả đạt được, rút kinh nghiệm khắc phục những hạn chế, cùng với các giải pháp về nguồn vốn đã xác định theo phân cấp trách nhiệm từ Trung ương, tỉnh đến huyện, xã, các xã sẽ tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đồng lòng, chung sức thi đua XDNTM ở địa phương. Nhờ tích cực XDNTM, Tuy Phước đã có nhiều đổi thay tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân có nhiều chuyển biến tốt. Tuy nhiên có thể thấy ngay rằng, thu hoạch lớn nhất khi XDNTM ở Tuy Phước là kinh nghiệm về vận động, xây dựng tinh thần đoàn kết toàn dân, phát huy mạnh mẽ nội lực, đẩy mạnh tinh thần sáng tạo, đây chính là kinh nghiệm, cơ sở để huyện Tuy Phước áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác trong xây dựng quê hương.
NGÔ HỒNG SƠN