Buông lỏng quản lý, khai thác tài nguyên: Nhà nước thất thu, dân lãnh hậu quả
Kết quả thanh tra mới đây về việc chấp hành chính sách pháp luật của 27 đơn vị khai thác đá granite, đất, cát tại 4 địa phương: Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn và Quy Nhơn cho thấy, các doanh nghiệp (DN) khai thác không chỉ vi phạm pháp luật về thuế và phí khai thác tài nguyên, mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường bởi việc khai thác bừa bãi, không chịu hoàn thổ...
Khoáng sản được cấp phép khai thác cho 27 DN ở 4 địa phương trên chủ yếu là đá làm vật liệu xây dựng, đá granite và cát. Các điểm mỏ khai thác tập trung ở các núi An Trường (xã Nhơn Tân), núi Sơn Triều (phường Nhơn Hòa), thị xã An Nhơn; phía tây núi Hòn Chà thuộc xã Phước Thành, Phước An (huyện Tuy Phước); núi Sơn Rái thuộc xã Cát Hưng, Cát Nhơn, núi Ngang thuộc xã Cát Tường (huyện Phù Cát) và núi Hòn Chà, phường Bùi Thị Xuân (Quy Nhơn).
Công tác quản lý TNKS thời gian qua còn nhiều mặt hạn chế.
- Trong ảnh: Hoạt động khai thác cát trên địa bàn huyện Vân Canh còn xảy ra vi phạm các quy định về khai thác TNKS. Ảnh: KIỀU ANH
Buông lỏng quản lý
Hiện trường kiểm tra cho thấy, nhiều DN đã khai thác vượt sản lượng, vượt công suất thiết kế được duyệt. Các DN cũng chưa nêu rõ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo an toàn cho các công trình giao thông trong quá trình vận chuyển, đảm bảo đời sống nhân dân; hoặc nếu có thực hiện cũng mang tính hình thức, đối phó. DN cũng chưa thực hiện triệt để việc ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định, lơi lỏng công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường. Khi giấy phép đã hết hạn khai thác, DN cũng không làm thủ tục đóng cửa mỏ, không hoàn thổ, trồng cây phục hồi môi trường.
Điển hình như tại khu vực phía Đông núi Hòn Chà, DN khai thác đá bừa bãi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nên đã bị UBND tỉnh cấm khai thác từ năm 2014. Thời điểm này, dù các điểm mỏ đã ngừng hoạt động nhưng DN cũng không chịu hoàn thổ, phục hồi môi trường, điển hình như Công ty Tân Trung Nam, Công ty Phú Minh Trọng, Xí nghiệp 380 - chi nhánh Công ty cổ phần Phú Tài. Trong khi đó, một số đơn vị khác chỉ khai thác được một phần rồi bỏ hoang trong nhiều năm liền, để bãi khai thác bừa bãi, như mỏ đá của Công ty Xuất nhập khẩu Lam Sơn, Công ty TNHH An Bình. Thậm chí có DN chưa ký hợp đồng thuê đất vẫn tiến hành khai thác (như Công ty cổ phần VRG Đá Bình Định), hoặc đã có quyết định cho thuê đất nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất.
Không những vậy, thanh tra còn phát hiện có đến 20/27 DN vi phạm pháp luật về thuế và phí bảo vệ môi trường, gây thất thu ngân sách trên 2,567 tỉ đồng. Đáng chú ý là có 13/27 DN kê khai không đúng sản lượng khai thác, khai thấp sản lượng làm thất thu thuế tài nguyên; áp giá tính thuế tài nguyên theo bảng giá tối thiểu nhỏ hơn giá bán thực tế ghi trên hóa đơn; có 14/27 DN áp dụng sai mức phí bảo vệ môi trường…
Môi trường bị xâm hại
Ngày 9.1.2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định xử lý kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các DN được cấp phép khai thác khoáng sản theo kết luận của Thanh tra tỉnh.
Ngoài việc buộc 20/27 DN phải nộp lại khoản tiền sai phạm về thuế, phí trên 2,567 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Cục Thuế tỉnh tăng cường hơn nữa công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về thuế, lệ phí; Sở TN-MT tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TNKS theo quy định, lập, thẩm định phê duyệt, công khai các quy hoạch tài nguyên thuộc thẩm quyền cấp phép làm cơ sở cho việc quản lý chỉ đạo, đồng thời kiên quyết trong việc đề nghị thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên đối với những đơn vị vi phạm quy định trong hoạt động khai thác mỏ.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh, những sai phạm trên của DN là do công tác quản lý hoạt động khoáng sản sau cấp phép bị buông lỏng, để nhiều DN không thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nhưng vẫn khai thác; thậm chí khai thác không đúng thiết kế, kém hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên, khoáng sản (TNKS) theo kiểu “dễ làm khó bỏ”. Việc khai thác bừa bãi, không hoàn thổ phục hồi môi trường sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngầm, gây nguy cơ nhiễm mặn. Một số khu vực khai thác đá gây bụi, tiếng ồn và gây sa bồi thủy phá đã tác động xấu đến cảnh quan, môi trường.
Trên thực tế, thời gian qua, dư luận khá quan tâm việc DN khai thác TNKS gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực xung quanh, như tình trạng khai thác titan ở một số xã ven biển huyện Phù Mỹ; khai thác cát trên sông Hà Thanh ảnh hưởng đến công trình hạ tầng; khai thác đá granite, xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sản xuất ở phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu (Quy Nhơn). Đã xảy ra trường hợp người dân bức xúc nên có những hành vi cản trở DN khai thác TNKS trên địa bàn, thậm chí là quá khích. Tại kỳ họp HĐND tỉnh tháng 12.2014, các đại biểu HĐND cũng đã nêu lên tình trạng DN khai thác bừa bãi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cuộc sống của người dân nhưng chính quyền và các cơ quan chức năng cũng chưa có biện pháp hữu hiệu nào khắc phục triệt để.
NGUYỄN SƠN
Ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN-MT:
Tăng cường hậu kiểm và xử lý mạnh doanh nghiệp vi phạm
* Thưa ông, theo kết luận của Thanh tra tỉnh, sai phạm của các DN khai thác trên là do sự buông lỏng về quản lý sau khi cấp phép khai thác, trong đó có liên quan trách nhiệm của Sở TN-MT?
- Trong thời gian qua công tác quản lý TNKS còn có những mặt hạn chế. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, sai phạm chính là ở khâu một số DN thực hiện nghĩa vụ tài chính chưa đầy đủ, làm thất thu ngân sách. Cụ thể, một số DN kê khai sản lượng, giá bán để làm căn cứ nộp thuế chưa chính xác. Để khắc phục vấn đề này từ năm 2015, thực hiện theo quy định mới, tỉnh sẽ tiến hành thăm dò, đánh giá trữ lượng trước khi cấp quyền khai thác.
* Các quy trình, thủ tục của Nhà nước về khai thác TNKS đều có nhưng trong thực tế có nhiều DN không tuân thủ các quy định, cố tình lờ đi. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Việc cấp phép khai thác TNKS đúng theo trình tự thủ tục, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn những DN làm chưa đúng quy định. Chẳng hạn như có trường hợp mới cấp phép khai thác chưa hoàn thành thủ tục thuê đất đã tiến hành khai thác, việc hoàn thổ chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Để khắc phục vấn đề này, vừa rồi, sau khi có kết quả kiểm tra 11 DN phục hồi, hoàn thổ khai thác titan, Sở TN-MT đã xin chủ trương UBND tỉnh về việc xử lý mạnh đối với những DN vi phạm.
* Theo ông, để việc khai thác TNKS hiệu quả và tuân thủ đúng pháp luật, cần phải làm gì?
- Theo tôi, để quản lý TNKS hiệu quả phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết tăng cường tuyên truyền pháp luật về TNKS để các DN và nhân dân hiểu và chấp hành, rà soát điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, tăng cường hậu kiểm xử lý kịp thời và nghiêm minh các DN vi phạm. Ngoài ra, phải thực hiện việc thăm dò, đánh giá trữ lượng TNKS để cấp quyền khai thác, hạn chế đến mức thấp nhất việc thất thu ngân sách.
* Xin cảm ơn ông!
THU HÀ (Thực hiện)