Coi chừng “Bà hỏa”
Gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước đã liên tiếp xảy ra những vụ cháy lớn gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản. Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ năm 2014 cho biết, trong năm cả nước xảy ra 2.357 vụ cháy làm chết 90 người, bị thương 140 người, thiệt hại tài sản trị giá hơn 1.300 tỉ đồng.
Theo Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản là do ý thức người dân về công tác PCCC còn nhiều hạn chế. Biểu hiện dễ thấy tại các chợ là nhiều người còn lơ là, sơ suất trong sử dụng thiết bị điện; tùy tiện sắp xếp hàng hóa lấn chiếm lối đi và đường thoát nạn; không trang bị đủ dụng cụ chữa cháy và không có phương án thoát nạn. Phần lớn những vụ cháy gây thiệt hại về người rơi vào nhà ống, nhà liên kế cao tầng không có lối thoát hiểm. Nhà càng kín cửa, cao tường thì càng nguy hiểm khi xảy ra hỏa hoạn.
Điều dễ thấy hiện nay là ngoài các cơ sở sản xuất kinh doanh, công sở, trường học, công trình công cộng thì việc trang bị phương tiện chữa cháy trong khu vực dân cư còn rất hạn chế. Các tổ dân cư thường xuyên tổ chức họp, tuyên truyền về các chủ trương chính sách của địa phương, nhưng việc tuyên truyền về kiến thức PCCC thì hầu như không có. Ở các chợ, trung tâm thương mại, ban quản lý cũng không mấy quan tâm đến vấn đề này…
Hỏa hoạn chủ yếu do chính sự bất cẩn của con người gây ra, cho nên con người hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh và đối phó với hỏa hoạn. Cháy có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào. Những ngày cuối năm là dịp diễn ra nhiều hoạt động tâm linh, sửa chữa nhà cửa, vui chơi, giải trí… thì càng phải tăng cường cảnh giác với nguy cơ cháy.
Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra công tác phòng cháy ở những khu vực có nguy cơ cháy cao.
Hãy luôn nhớ rằng, đối với “Bà hỏa” thì không thể coi thường!
H.Đ