“Nickname” biến tấu
Bên cạnh những cách lưu tên quen thuộc như chồng/vợ, anh/em yêu, bố/mẹ + tên con... là vô vàn những nickname độc đáo mà đôi khi chỉ người trong cuộc mới hiểu. Xung quanh cái danh bạ điện thoại cũng có lắm chuyện cười ra nước mắt.
Kẻ tám lạng người nửa cân
Nhiều lần trò chuyện cùng anh bạn làm bác sĩ vui tính, lúc được đà chuyện tếu, anh hay kể về “cảnh sát nhà mình”. Cứ tưởng anh chỉ nói quen miệng, nhưng một lần vô tình thấy “con dế” của anh nhấp nháy trên bàn, màn hình hiện ra 3 chữ số “113”, mới tin là anh thật sự bị “ám ảnh” bởi bà vợ có giác quan “thứ n” và cái tính đa nghi không thua lão Tào Tháo trong tuồng cũ tích xưa.
“Mình đi đâu, làm gì bả cũng biết ráo trọi. Mình cứ làm việc tối ngày, đến kỳ nâng bậc lương cũng chẳng biết gì, thế mà bả đã nắm lịch tháng nào lương sẽ tăng. Thỉnh thoảng có mấy đồng tiền thưởng cũng chẳng thể nào qua khỏi cái “ra-đa” sóng cao tần đó. Bả biết bị gọi là 113, nhưng không làm gì được. Không phải cảnh sát thì là gì nữa?”, anh hài hước giải thích khi có người thắc mắc.
Còn ông anh cùng quê của tôi lại lưu tên vợ không đụng hàng: “ve nha ngay”. Về “hoàn cảnh lịch sử” ra đời của cái nickname khó đỡ này, anh trịnh trọng cho biết trong một cuộc bù khú: “Có lần, ngồi chưa nóng ghế, thùng bia chưa vơi nửa, thế mà điện thoại đổ chuông. Bắt máy lên, phía bên kia vang lên 3 tiếng khô khốc “về nhà ngay”, khuyến mãi thêm âm điệu om sòm của tiếng con nít khóc. Tao vứt lon bỏ ly, xách xe ù té về một nước. Từ đó, trong danh bạ điện thoại, 2 tiếng “me Bin” ngọt ngào được thay bằng “ve nha ngay” đến bây giờ”.
Ông bà ngoại ở xa, ông bà nội thì già cả lọm khọm, nên vợ chồng anh phải tự túc trong khoản chăm con. Chị làm nhân viên ngân hàng, giờ giấc sát sàn sạt, trong khi anh làm chân khảo sát thị trường cho một doanh nghiệp tư nhân, có phần dễ thở hơn. Giờ hành chính anh vẫn có thể xoay xở ghé chợ mua con cá tươi nấu cháo cho thằng Bin. Chị đi làm về thì anh mới được tranh thủ giải lao. Thế nhưng, “quota” của anh rất ngặt nghèo, đôi khi chị chỉ cấp cho nửa tiếng. Thế nên, bạn bè chẳng ngạc nhiên khi đang nhậu ngon trớn, anh vẫn kiên quyết ngoảnh mặt mà đi. Và, kể cho nhau nghe về cái “nickname bá đạo” kia với giọng rất ư là cảm thông!
Nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo. Ông bà ta đã nói thì cấm có sai. Có những ông chồng quỷ quái thì cũng có những bà vợ đáo để. Vừa rồi, có anh bạn làm báo ở Hà Nội vào chơi. Cữ cà phê đầu ngày xôm tụ với những người bạn gần chục năm không gặp. Chuyện cũ người xưa đang hồi tha thiết thì điện thoại của gã rung bần bật, hiện lên mấy chữ “ba xa cute”. Mấy cô gái ganh tỵ: “Rõ khéo nịnh!”. Gã nháy mắt: “Biết vợ tớ lưu chồng trong danh bạ là gì không? Là “Ox”. Hồi lâu, tớ cứ nghĩ là viết tắt của hai chữ “Ông xã” như bình thường. Đến khi kèm tiếng Anh cho thằng nhóc, thấy hình minh họa cho từ “ox” là một con bò đực to tướng, tớ mới ngã ngửa than ôi, nhớ lại vẻ mặt bí hiểm khi ẻm gọi “ox” mà đau điếng!”. Cả bọn được trận cười nghiêng bàn ngả ghế.
Bi hài danh bạ
Với những người đã có gia đình, việc lưu tên “đối tượng” như thế nào phải được cân nhắc đã đành, bởi dễ bị “người cùng nhà” phát hiện và nổi quạu. Thế nhưng, không ít kẻ độc thân cũng phải đau đầu với cái danh bạ điện thoại. Chuyện của P.Đ. là thí dụ điển hình.
Năm nay xấp xỉ 30, nhưng chàng trai quê ở xứ Dừa này vẫn tỉnh bơ khi có ai đó nhắc đến chuyện vợ con. Bởi, “đời còn dài, ta phải tận hưởng cái đã, đeo gông vào người chi cho sớm”. Bảnh trai, làm nghề tự do rày đây mai đó, lại thêm chút tài lẻ văn nghệ văn gừng, nên Đ. được khá nhiều em ở khắp nơi chết mê chết mệt. Để tạo niềm tin rằng “anh chỉ có mình em”, Đ. thực hiện kế sách đặc biệt khi lưu số điện thoại của các nàng. Trong danh bạ điện thoại có những tên như “Anh Hai”, “Anh Ba”, “Chị Bảy”, “Chú Năm công ty”... mà chỉ có mình Đ. biết đó là cách gọi các cô em mà chàng đang cưa cẩm.
“Có lần, có cô em gái thằng bạn tự nhiên bồ kết tao, nhờ thằng anh nó điều tra xem tao có mối nào chưa. Nhân lúc tao sơ ý, thằng anh kiểm tra điện thoại, thấy danh bạ chẳng có Lan, Hồng, Mận… lại càng không thấy “em yêu”, “honey”, “darling”… nên bồi đắp cho nhỏ kia yên tâm là tao vẫn cô đơn. Nghe thằng bạn kể thiệt mới thấy mình cao thủ”, Đ. kể.
Nhưng cao thủ vẫn thua sát thủ. Mới rồi, Đ. bị cô bạn gái mà mình yêu thật lòng đá thẳng cẳng, cũng vì cái danh bạ điện thoại. Tình cờ cô nàng mở điện thoại của người yêu, thấy rõ ràng là câu hỏi thăm mình mới gửi hôm qua, sao lại hiện tên người gửi là “Anh Bốn bán hàng”? Nhanh tay lục danh bạ, nàng thêm thảng thốt khi thấy số điện thoại nhỏ bạn thân của mình thế quái nào lại mang tên “Chú Năm công ty”.
Dù Đ. cố giải thích đến rớt răng đớ lưỡi, cô nàng vẫn kiên quyết chia tay. Đ. bảo, giờ mới thấm thía rằng, ở đời lắm khi khôn quá lại hóa dại.
MAI LÂM