Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn:
Sáng tạo tổ chức nhiều chương trình văn hóa ý nghĩa
Là đơn vị hoạt động sự nghiệp văn hóa thông tin và thể dục thể thao trên địa bàn TP Quy Nhơn - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, thời gian qua, Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn đã có nhiều sáng tạo, nỗ lực duy trì tổ chức nhiều hoạt động, chương trình văn hóa giàu ý nghĩa; góp phần phục vụ, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của người dân.
Ý thức về vai trò đầu tàu, trung tâm văn hóa của tỉnh, từ nhiều năm trước, ngành VH-TT&TT Quy Nhơn đã xây dựng kế hoạch, duy trì tổ chức nhiều chương trình văn hóa mang bản sắc của thành phố biển.
Tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa
Một trong những chương trình giàu chất “thương hiệu của Quy Nhơn”, ra đời từ sớm, đến nay còn duy trì là Đêm hội Tháp Đôi, diễn ra vào tối mồng Hai Tết Nguyên đán hàng năm tại di tích Tháp Đôi. Trong hệ thống 8 cụm 14 tháp Chăm của Bình Định, hiện chỉ có Tháp Đôi - Quy Nhơn là có chương trình nghệ thuật được tổ chức, gắn nét văn hóa phi vật thể tại một di sản vật thể. Chương trình này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2001, gián đoạn 1 năm 2002 không tổ chức, nếu tính lần tổ chức sắp đến nữa (Tết Nguyên đán Ất Mùi - 2015) đã là lần thứ 17. Và điều đáng mừng là năm nào cũng được đông đảo nhân dân nhiệt tình chào đón, tham gia.
Những năm qua, trong đầu tư, nỗ lực và thành công của tỉnh để làm bảo tồn, tôn vinh di sản văn hóa bài chòi dân gian, có phần đóng góp khá lớn của Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn. Sau khi cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về phục dựng, tổ chức Hội đánh bài chòi cổ dân gian do tỉnh tổ chức, Trung tâm đã lập kế hoạch chi tiết, bài bản để đưa môn chơi dân gian này cũng như nghệ thuật bài chòi nói chung đi vào đời sống; gầy dựng hoạt động vui chơi bài chòi thành hoạt đồng thường xuyên, tạo thói quen để người dân tham gia sinh hoạt.
Không chỉ tổ chức Hội đánh bài chòi vào mỗi dịp Tết Nguyên đán (bắt đầu từ năm 2011), Trung tâm còn tổ chức Hội thi “Diễn xướng bài chòi cổ dân gian” dành cho các phường, xã của TP Quy Nhơn (năm 2014); đưa nội dung “Thi hát bài chòi cổ dân gian”, “Thi đánh bài chòi cổ dân gian” vào chương trình Ngày hội VH-TT miền biển của TP Quy Nhơn (lần thứ XIII - năm 2012)… Càng nỗ lực hơn khi từ giữa năm 2013, Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn duy trì dài hơi việc tổ chức Hội đánh bài chòi định kỳ vào 3 ngày cuối tuần (thứ Sáu, Bảy và Chủ nhật). Hội đánh bài chòi từ đó trở thành một không gian sinh hoạt văn hóa quen thuộc, hấp dẫn với người dân và du khách đến phố biển.
Còn có thể “điểm danh” nhiều hoạt động, chương trình văn hóa mang nét đẹp cổ truyền đầy ý nghĩa khác do Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn chủ công tổ chức. Liên hoan Giọng hát hay TP Quy Nhơn (mở rộng) đã qua 3 kỳ tổ chức là sân chơi âm nhạc ý nghĩa mà Trung tâm này tiếp tục duy trì. Liên hoan Dựng cây nêu đón Tết cổ truyền là chương trình mới ra đời nhân dịp đón Tết Giáp Ngọ - 2014 và sẽ tiếp tục được Trung tâm tổ chức lần 2 chào Xuân Ất Mùi - 2015 này. Được biết, Tết năm nay, ngoài những chương trình đã có, Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn “khai trương” thêm hai chương trình mới: thi hô bài chòi và thi nấu bánh chưng, bánh tét (dành cho người dân của 21 phường, xã TP tham gia)!
Xây dựng thiết chế văn hóa: bệ phóng nâng phong trào
Có thể thấy, để tổ chức, duy trì được các chương trình trên, ngành VH-TT&TT Quy Nhơn đã nhận được sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo TP. Bên cạnh đó, một thuận lợi nữa là Trung tâm có một đội ngũ làm công tác phong trào giàu chuyên môn, đa năng. Ví dụ như để tổ chức Hội đánh bài chòi với tần suất dày 3 đêm cuối tuần định kỳ, nếu không sẵn có, trước hết một lực lượng anh hiệu - chính là các cán bộ, nhân viên của Trung tâm- cùng cộng tác viên ở các phường, xã, thì rất khó đảm đương.
Khi cơ sở hạ tầng, thiết chế phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao tốt hơn, chắc chắn ngành VH-TT&TT Quy Nhơn sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động, chương trình phong phú, chất lượng, quy mô hơn nữa..........
Ông LÊ NGỌC ANH, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn
Tuy nỗ lực sáng tạo tổ chức nhiều chương trình là vậy song hoạt động của ngành VH-TT&TT Quy Nhơn bị một trở ngại khách quan khiến cho “cái khó bó phong trào”. Khó khăn lớn nhất tồn tại từ nhiều năm nay của TP Quy Nhơn trong tổ chức các chương trình văn hóa là thiếu địa điểm để tổ chức, thiếu cơ sở hạ tầng, thiết chế để hoạt động. Toàn bộ hệ thống thiết chế hiện có nằm trên địa bàn TP Quy Nhơn trong phân cấp đều thuộc quản lý của tỉnh, còn thành phố chỉ có một thiết chế duy nhất là Nhà Văn hóa Thiếu nhi đã xuống cấp (hiện tại trưng dụng làm nơi làm việc của UBND TP Quy Nhơn trong khi xây trụ sở mới).
“Quy Nhơn đã trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh từ năm 2010, được quy hoạch trở thành trung tâm văn hóa phía nam của Vùng, nhưng hệ thống thiết chế văn hóa hầu như chưa có gì. Khi cơ sở hạ tầng, thiết chế phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao tốt hơn, chắc chắn ngành VH-TT&TT Quy Nhơn sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động, chương trình phong phú, chất lượng, quy mô hơn nữa”, ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn, cho biết.
SAO LY