Để việc đánh giá cán bộ lãnh đạo thực chất hơn
Kết quả kiểm điểm, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý hàng năm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Việc đánh giá, kiểm điểm đúng thực chất sẽ có tác dụng giúp cán bộ lãnh đạo phát huy ưu điểm, nhận rõ khuyết điểm để có kế hoạch khắc phục, phấn đấu tốt hơn trong năm tới.
Một trong những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh mà mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt cần thấm nhuần, làm theo là nêu gương trong lối sống, sinh hoạt, công việc.
- Trong ảnh: Trường Chính trị tỉnh tổ chức tọa đàm về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với cán bộ, giảng viên của Trường. Ảnh: N. SƯƠNG
Tuy nhiên, bên cạnh những tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tổ chức đánh giá đạt yêu cầu, đúng thực chất, cũng có không ít cơ quan, đơn vị triển khai kiểm điểm, đánh giá mang tính hình thức, qua loa, không phản ánh khách quan mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Dễ người, dễ ta?
Một điều rất dễ nhận thấy trong sinh hoạt chi bộ, tham gia góp ý và đánh giá cán bộ hiện nay là tình trạng “dễ người, dễ ta”. Đảng viên, cán bộ cấp dưới thường không góp ý gì nhiều cho lãnh đạo, hoặc có góp ý cũng chỉ là những điều chung, kiểu như: “đồng chí cần quan tâm hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát và quản lý chặt chẽ các bộ phận liên quan…”. Bản kiểm điểm của cán bộ lãnh đạo cũng thường đánh giá khá chung chung về tinh thần trách nhiệm trong công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống. Phần sau của bản kiểm điểm tự nhận thường là hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao (một số ít tự nhận là hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ). Trong khi điều cần thiết cần nêu rõ ở mỗi bản kiểm điểm về khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả của công việc trong từng vị trí, thời gian lại không thấy nêu.
Điều 6 của Quy chế đánh giá cán bộ công chức (ban hành kèm theo Quyết định số 286-QĐ/TW, ngày 8.2.2010 của Bộ Chính trị (khóa X)) hướng dẫn, việc đánh giá đối với cá nhân luôn gắn kết và đặt trong mối quan hệ với tập thể cơ quan, đơn vị nơi công tác; liên hệ ưu điểm, khuyết điểm của tập thể để làm rõ trách nhiệm của cá nhân trên lĩnh vực được phân công phụ trách. Tuy nhiên, không ít cơ quan, đơn vị khi tổ chức đánh giá chưa thực hiện tốt điểm này, nhất là đối với một số tổ chức đảng qua phân loại cuối năm không đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh. Một khi tổ chức đảng không được công nhận trong sạch vững mạnh, thì bản thân cán bộ lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, và dĩ nhiên không thể tự nhận mình hoàn thành tốt (xuất sắc) nhiệm vụ được.
Một điểm dễ nhận thấy trong quy trình đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý là chiều hướng và triển vọng phát triển thường ít được quan tâm. Nhiều bản kiểm điểm không đề cập điểm này; một số bản kiểm điểm chỉ nêu chung chung, thường đồng nhất với hướng khắc phục khuyết điểm.
Gắn nhiệm vụ cơ quan với trách nhiệm cá nhân
Như ở trên đã nói, việc kiểm điểm, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý hàng năm là một trong những nhiệm vụ quan trọng để sát hạch nhiệm vụ chính trị, đánh giá cán bộ lãnh đạo để củng cố, kiện toàn. Để công tác này từng bước đi vào thực chất, người viết xin đề xuất một số ý kiến:
Trước khi đánh giá, ban thường vụ đảng ủy, chi ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần chuẩn bị kỹ báo cáo đánh giá của tập thể và chỉ đạo cá nhân trong diện phải chuẩn bị báo cáo đánh giá để tổ chức kiểm điểm nghiêm túc. Khi đánh giá, phải gắn kết việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan với trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo, đặc biệt là đối với từng lãnh đạo phụ trách bộ phận. Người chủ trì phải nhìn nhận nghiêm túc về những nguyên nhân khách quan, chủ quan để nhận xét, đánh giá trước khi đưa ra tập thể tiến hành bỏ phiếu kín.
Bên cạnh đó, việc đánh giá tập thể và cá nhân cán bộ lãnh đạo phải có sự tương đồng, hợp lý với kết quả công nhận, phân loại tổ chức đảng. Nếu tổ chức đảng hoàn thành nhiệm vụ hoặc yếu, kém, thì tập thể không thể được đánh giá tốt; cá nhân cán bộ lãnh đạo cũng không thể hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được. Ở điểm này, trước khi bỏ phiếu, chủ trì phải thông tin, khẳng định trước tập thể để tiến hành bỏ phiếu đúng thực chất, không vì thành tích cá nhân mà phớt lờ hoặc bỏ qua.
Và một điều nữa là mỗi cán bộ lãnh đạo cần phải nêu cao ý thức tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu, biết nhận trách nhiệm và sửa chữa khuyết điểm, thể hiện qua việc phản ánh thực chất bản thân, nêu rõ khối lượng công việc làm được, chỉ đạo thực hiện tiến độ công việc đến đâu, đã chấp hành tốt chủ trương, chính sách hay chưa, chiều hướng và triển vọng trong thời gian tới như thế nào, có đủ sức khỏe và năng lực, uy tín để tiếp tục đảm nhận vị trí cao hơn hay không.
ANH TUẤN