Kênh, kè chống xói lở Tà Dinh, xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thạnh) bị lũ cuốn trôi: Chưa khắc phục, chờ tìm vốn
Hệ thống kênh, kè chống xói lở Tà Dinh, xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thạnh) có vai trò bảo vệ hàng chục héc-ta đất sản xuất nông nghiệp; đồng thời, bảo vệ tài sản cho người dân vùng lân cận, cũng như dẫn, giữ nước phục vụ tưới tiêu cho gần 30 héc-ta lúa. Thế nhưng, trong đợt lũ cuối tháng 11.2013, toàn bộ tuyến kênh, kè dài 1,5 km đã sạt lở, cuốn trôi. Từ đó đến nay, những hư hỏng của tuyến kênh, kè vẫn chưa được khắc phục.
Theo ông Nguyễn Văn Phúng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận - đợt lũ cuối tháng 11.2013, do gần như toàn bộ hệ thống kênh, kè Tà Dinh, đoạn chảy qua các thôn 1, thôn 2, thôn 5 và thôn 7 bị hư hỏng nặng nề, khiến hơn 10 ha đất sản xuất nông nghiệp bị sa bồi, thủy phá; trong đó, có 2 ha đất sản xuất lúa bị bồi lấp hoàn toàn. Sau cơn lũ, lực lượng bộ đội đã về giúp bà con thu dọn để kịp xuống giống gieo sạ vụ Đông Xuân 2013-2014. Dù vậy, 2 ha đất lúa bị bồi lấp nặng vẫn chưa thể khôi phục để sản xuất.
Dẫn chúng tôi ra hiện trường, bà Dương Thị Hằng - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận - không giấu được sự lo lắng: “Từ lúc tuyến kênh, kè Tà Dinh bị lũ cuốn phăng, rất khó đưa nước từ hồ Tà Niêng về tưới cho cánh đồng Tà Dinh. Việc sản xuất của bà con trong vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hệ quả, mùa nắng, ruộng lúa dễ rơi vào tình trạng thiếu nước. Mỗi khi có mưa, nước từ thượng nguồn đổ về, lập tức gần 30 ha đất canh tác lại đứng trước nguy cơ bị sa bồi, thủy phá; hơn 15 nhà dân dọc tuyến kênh, kè lại treo mình trước lũ”. Ông Đinh Dơ, thôn 4, cho biết: “Gia đình tôi có hơn 2 sào ruộng, lũ năm 2013 phá mất 1 sào. Còn 1 sào mà làm cũng lo lắm!”.
Để tạm cứu gần 30 ha đất sản xuất lúa khỏi rơi vào cảnh bỏ hoang, huyện Vĩnh Thạnh đã tận dụng khối lượng đất, đá thải từ dự án mở đường từ xã Vĩnh Thuận về xã Cửu An, thị xã An Khê (Gia Lai); sau đó, nhờ phương tiện vận chuyển của Công ty TNHH Hiếu Ngọc chở, đổ đắp tạm một đoạn đê kè dài chừng 500m, nằm khu vực phía Nam kênh, kè Tà Dinh để giữ lại diện tích lúa cho bà con canh tác. Hơn nữa, việc đổ đất đá dọc tuyến kênh, kè bị sạt lở sẽ hạn chế sự thẩm thấu, giữ nước lại ruộng lúa, giúp việc sản xuất bà con thuận tiện hơn. Song, đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Liên quan về vấn đề này, ông Lê Văn Đẩu - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Để xây dựng lại toàn bộ tuyến kênh, kè Tà Dinh phải mất 12 tỉ đồng, số tiền này vượt quá khả năng của huyện. Chúng tôi đã lập kế hoạch, thiết kế đầu tư xây dựng lại toàn bộ tuyến kênh, kè với tổng chiều dài 1,5 km cùng số kinh phí cần có để triển khai, trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ. Tuy nhiên, nguồn vốn hỗ trợ thì vẫn phải đợi…”.
TRỌNG LỢI