Ghi nhận bước đầu từ cuộc khai quật khu lò gốm Trường Cửu
Trong tháng 12 năm 2104, tại thôn Trường Cửu (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn), Bảo tàng Bình Định cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, khai quật di tích lò gốm thuộc nền văn hóa Champa trong lịch sử. Đây là lần khai quật thứ năm về loại hình di tích này trên đất Bình Định và lần khai quật thứ hai trong năm 2014 của Bảo tàng Bình Định.
Gốm Chăm và Trường Cửu những lần khảo sát, khai quật
Theo các nhà nghiên cứu, trên đất Bình Định có 6 trung tâm sản xuất gốm, trong đó, riêng thị xã An Nhơn có tất cả ba khu lò là Gò Sành (thuộc xã Nhơn Hòa), Cây Me (thuộc xã Nhơn Mỹ) và Trường Cửu (thuộc xã Nhơn Lộc). Trong ba khu lò ấy, khu Gò Sành đã được nghiên cứu khai quật trong bốn năm liên tục từ 1990 -1994, trong đó có ba cuộc khai quật do phía Việt Nam chủ trì và một cuộc khai quật hợp tác Việt - Nhật. Kết quả những lần khai quật này bước đầu cung cấp thêm những bằng chứng về chủ nhân, niên đại của các khu lò gốm này.Tuy nhiên, do mỗi khu lò có những điểm khác biệt nhất định về sản phẩm sản xuất cũng như kỹ thuật xây dựng lò, nên việc nghiên cứu ngày càng mở rộng hơn sẽ làm sáng tỏ thêm giá trị của từng khu lò gốm và qua đó, giúp ta hiểu sâu hơn về truyền thống sản xuất gốm Chăm trên đất Bình Định.
Trường Cửu là tên một khu gò nằm dọc triền sông Côn, sát với bờ thành phía Đông của thành Cha - một trong bốn thành cổ Chăm ở vùng này. Khu gò chạy dọc theo triền sông Côn theo hướng Bắc – Nam dài khảng 600- 800m, bắt đầu từ xóm Tây thôn Trường Cửu tới tường phía Đông của thành Cha; chiều rộng tính từ mép sông đến khu ruộng canh tác dài khoảng 50 -100m. Khảo sát trên bề mặt khu gò, nhất là dọc triền sông Côn, phát hiện nhiều mảnh sành và gốm men. Những hiện vật phát hiện trên bề mặt khu gò; những vạt tường cháy đỏ, cũng như những chồng sản phẩm như bát đĩa chồng dính với nhau do lỗi kỹ thuật trong quá trình nung xuất lộ qua quá trình cải tạo đất canh tác báo dẫn về một lò nung gốm tại khu vực này.
Cả khu gò gần như còn nguyên vẹn, trên bề mặt còn các gò đống to - nhỏ khác nhau. Khảo sát bước đầu tại khu gò cho thấy có ít nhất 4 lò nung, trong đó 2 lò gần như bị phá hủy hoàn toàn, 1 lò đã bị đào bới bên trong để tìm cổ vật và 1 lò còn nguyên vẹn, trên bề mặt còn lộ ra 1 mảng tường lò dài 2m.
Khai quật lò gốm Trường Cửu
Từ tháng 12.2014, Bảo tàng Bình Định và Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã tiến hành khai quật tại di tích. Qua gần 20 ngày tiến hành khai quật, trên diện tích 200 m2, các nhà khoa học đã tìm thấy 4 lò nung xây chồng xếp lên nhau.
Hố thứ nhất (H1) có hai lò nung. Lò thứ nhất chỉ tìm thấy từ thân lò đến hậu lò, xây theo hướng Đông - Tây, cửa lò quay về hướng Tây nhưng không xác định được kích thước cụ thể của khu lò này. Lò thứ hai nằm cách lò thứ nhất 2m, đã bị phá dỡ gần như toàn bộ, hiện chỉ còn 1 bờ tường phía Bắc và mặt nền lò cháy đỏ. Về kỹ thuật, tường lò xây hoàn toàn bằng bao nung, các bao nung xếp nằm ngang.
Hố thứ hai (H2) có diện tích 50 m2. Tại hố này phát hiện ba lò nung. Hai lò xây theo hướng Bắc - Nam, đã bị phá, hiện chỉ còn một tường lò thuộc loại tường đất chạy phía Đông. Lò thứ ba xây theo hướng Đông – Tây, tường lò cũng thuộc loại tường đất nhưng đã bị phá hoàn toàn, hiện chỉ còn một đoạn tường lò và mặt nền cháy đỏ.
Nhận định ban đầu
Với hiện trạng khai quật trong năm 2014, chúng tôi cho rằng, lò gốm Trường Cửu có dáng hình chữ nhật và đều thuộc loại lò ống một buồng lò. Kỹ thuật xây dựng lò có hai dạng là kỹ thuật tường lò đắp đất hay còn gọi là tường “chình” và kỹ thuật xây bằng vật liệu bao nung tương tự như kỹ thuật xây lò của hai khu Gò Sành và Gò Hời đã khai quật.
Về hiện vật, đợt khai quật lần này chủ yếu tìm thấy đồ gia dụng gồm chén, bát, đĩa, âu, lọ bình, vò. Đồ gia dụng chủ yếu có men đơn sắc; trong đó, men ngọc celadon gần tương đồng với men ngọc lò Long Tuyền (Triết Giang, Trung Quốc), chỉ khác là men tráng mỏng hơn. Đáng chú ý, trên sản phẩm gốm sản xuất tại lò này không tìm thấy hoa văn trang trí.
Hiệt vật kiến trúc tìm thấy ở khu lò cũng khá đa dạng. Trong đó, có ngói móc kích thước lớn, ngói tráng men, vật liệu trang trí và gạch dùng để xây dựng tháp. Đặc biệt nhất là tìm thấy hai mảnh ngói đất nung dáng uốn cong hình lòng mo, dày 1cm và ngang 30cm. Đây là hiện vật hiếm, chưa tìm thấy ở những lần khai quật gốm cổ Chăm Bình Định trước đây. Hiện vật liên quan đến kỹ thuật chủ yếu chỉ tìm thấy bao nung và đầm.
Đây là lần thứ ba Bảo tàng Bình Định tiến hành khai quật nghiên cứu gốm Chăm. Qua mỗi lẫn khai quật như thế này cho ta có thêm những nhận thức mới về sản phẩm, kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật xây dựng của từng khu lò.
Hiện trạng các lò nung xây chồng xếp lên nhau phản ánh một thực tế về môi trường tại vùng này, đó là sự tàn phá của thiên nhiên vào những mùa mưa bão.
Khu lò nung gốm Trường Cửu đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, bởi khu lò vực này hiện đã thành khu dân cư; các lò nung đều đã thành đất thổ cư. Do vậy, muốn bảo tổn khu di tích quan trọng này, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành hữu quan.
TS. ĐINH BÁ HÒA