Nghệ sĩ Hoàng Việt:
Hết mình cho những đam mê
Từ nhỏ, Hoàng Việt đã được “thắp trong tim” ngọn lửa đam mê nghệ thuật tuồng từ bố mẹ - đôi nghệ sĩ tài danh Hoàng Chinh - Hồng Thu. Thế rồi, trên những ngã rẽ cuộc đời, anh đã thanh thản bước đi trên con đường trắc trở, lận đận bằng tài năng và tâm huyết của mình.
Hoàng Việt sinh năm 1960 tại đất tuồng Hòa Nghi (Nhơn Hòa, An Nhơn). Theo cha mẹ đi diễn tuồng, rồi tham gia tích cực trong Đoàn tuồng Đồng ấu nổi tiếng ở địa phương. “Bước ngoặt” đã đến với Hoàng Việt vào năm 17 tuổi, khi anh là một trong số ít người ở An Nhơn được cử đi học bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa - thông tin tại Trường Nghiệp vụ Văn hóa - Thông tin tỉnh Nghĩa Bình (nay là Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Bình Định).
Gắn bó với nghề múa
Vào trường, Hoàng Việt rất bất ngờ khi được phân vào học lớp múa. Ban đầu, anh chán nản đến mức định bỏ cuộc, nhưng càng học lại càng “ngấm”. Tốt nghiệp, về công tác tại Đoàn Ca múa nhạc nhân dân Nghĩa Bình (sau đổi tên thành Đoàn Ca múa nhạc Chim Yến), Hoàng Việt nhanh chóng trở thành diễn viên múa chính nhờ có hình thể đẹp, kỹ thuật tốt. 25 tuổi anh xin đi học đại học biên đạo múa tại Hà Nội. “Buổi tiệc chia tay trước khi đi học đang vui vẻ, thì bạn diễn thân thiết với tôi bỗng ôm mặt khóc nức nở. Thì ra chị tủi thân vì lớn hơn tôi 10 tuổi, chỉ còn hai năm nữa là quá độ tuổi quy định để đi học, không còn cơ hội thực hiện mong ước sau nhiều năm cống hiến. Tâm tư của chị làm tôi trằn trọc cả đêm, sáng hôm sau quyết định báo cáo nhường lại suất đi học cho chị. Không ngờ mấy năm sau tách tỉnh Nghĩa Bình nên Đoàn Chim Yến cũng tan rã, chị đang học tại Hà Nội tìm về gặp tôi lại khóc, bởi “chị đã làm em lỡ làng việc học”…”, Hoàng Việt xúc động nhớ lại.
Sau này, do điều kiện cuộc sống, Hoàng Việt cũng đã bỏ lỡ cơ hội hoàn thành việc học đại học để nâng cao chuyên môn. Anh đã bù lại bằng niềm đam mê, sự chuyên tâm rèn luyện, cố gắng tham gia nhiều lớp tập huấn múa. May mắn được các bậc đại thụ trong làng múa như NSND Thái Ly, NSND Đặng Hùng… quan tâm truyền dạy, Hoàng Việt đã biết nắm bắt, học hỏi cái hay của từng thầy. Biên đạo Thu Hương cho biết: “Hoàng Việt thực sự rất say múa. Động tác kỹ thuật nào chưa hoàn thiện, anh cố gắng tập cho bằng được, thường mở nhạc lên ngồi trầm tư suy nghĩ rất lâu về các ý tưởng múa. Anh cũng như tôi đã chịu nhiều thiệt thòi khi không còn hoạt động trong đoàn nghệ thuật múa chuyên nghiệp, nhưng vẫn luôn cống hiến hết mình cho phong trào múa tỉnh nhà”.
Trong vai trò biên đạo, Hoàng Việt đã chọn hướng khai thác những đề tài mang đậm bản sắc văn hóa Bình Định. Anh bỏ công nghiên cứu kĩ các động tác múa của những bức phù điêu ở tháp Chăm, kết hợp với sự sáng tạo của riêng mình để dàn dựng thành công tác phẩm “Huyền thoại tháp Đôi” (Huy chương Vàng hội diễn toàn quốc năm 1997), khởi đầu cho nhiều tác phẩm múa Chăm thành công khác. Hoàng Việt còn tìm tòi và khai thác nhiều mảng đề tài dân gian khác như cảnh sinh hoạt, lễ hội dân gian của ngư dân miền biển.
NSND Đặng Hùng nhận xét: “Chuyển công tác qua nhiều đơn vị, nhưng điều đáng quý là Hoàng Việt vẫn luôn trung thành, tận tâm cống hiến cho múa. Mỗi lần được xem các tác phẩm do em dàn dựng lại thấy những bước tiến rõ nét. Thật mừng khi học trò mình đã xây dựng phong cách riêng, gắn với việc tôn vinh bản sắc văn hóa quê hương”.
Hơn 30 năm qua, Hoàng Việt không chỉ là một diễn viên, biên đạo giỏi, mà còn là người thầy tận tâm trong sự nghiệp “trồng người” cho nghệ thuật múa. Anh đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả, được đồng nghiệp nể phục, học trò kính trọng. Với anh, điều này còn đáng quý hơn nhiều danh hiệu.
Máu tuồng luôn chảy trong tim
Gắn bó với nghề múa, nhưng Hoàng Việt chưa bao giờ rời xa nghệ thuật tuồng. Chuyển về công tác tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn từ năm 1988, Hoàng Việt đã khẳng định được sự đa năng qua nhiều vai diễn lẫn vài trò dàn dựng múa. Thế nhưng, đến năm 1998, Hoàng Việt lại chuyển về Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn.
Bộn bề nhiều công việc của một cán bộ văn hóa, Hoàng Việt vẫn tiếp tục lặng lẽ cống hiến cho nghệ thuật tuồng bằng những việc làm cụ thể. Trong Liên hoan Tuồng không chuyên toàn tỉnh năm 2005, không chỉ để lại dấu ấn khi làm đạo diễn chương trình của Đoàn tuồng Hà Thanh và Đoàn tuồng Trần Quang Diệu, Hoàng Việt còn “chữa cháy” rất thành công khi đóng thế diễn viên bị bệnh đột xuất vai Lữ Bố trong trích đoạn “Lữ Bố hí Điêu Thuyền”, sau đó được trao giải đặc biệt. Anh cũng sẵn lòng chỉ dạy diễn xuất, giúp đỡ kịch bản cho các đoàn tuồng không chuyên.
Ông Phan Ngọc Bạn, Trưởng Đoàn tuồng Trần Quang Diệu, cho biết: “Mỗi khi đoàn tôi đột xuất thiếu diễn viên, Hoàng Việt đều nhiệt tình giúp đỡ. Mới rồi, đi diễn ở Tuy Phước, bận công việc nên 12 giờ trưa anh mới đội nắng chạy lên chỗ đoàn. Tôi nhờ anh đóng vai Khổng Minh trong vở “Huê Dung Lộ”, khán giả xem rất thích”.
Khi về công tác tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn, không chỉ viết kịch bản, Hoàng Việt còn chỉnh biên một số kịch bản tuồng sưu tầm trong dân gian. Kịch bản “Chung Vô Diệm” Hoàng Việt viết năm 1991 đã từng được Nhà hát dàn dựng thành công, mới đây lại được phục hồi, nâng cao để phục vụ khán giả. Từ sự thôi thúc của con tim yêu tuồng, Hoàng Việt đang viết gọn lại vở “Tây Thi” (từng được Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định dàn dựng thành công) theo yêu cầu của Nhà hát Tuồng Đào Tấn, cùng một số kịch bản tuồng cổ khác.
Nhiều năm qua, Hoàng Việt đã đầu tư công sức, kinh phí để phục hồi các bộ trang phục tuồng cổ Bình Định. Nhiều người hâm mộ tuồng, sinh viên, nghiên cứu sinh trong và ngoài tỉnh đã tìm đến căn gác nhỏ nhà Hoàng Việt (đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn), để nghe anh phân tích say sưa những đặc trưng của nhân vật tuồng Bình Định qua các bộ trang phục đã in sâu trong ký ức. “May trang phục hát bội Bình Định đúng như thời cha mẹ tôi mặc biểu diễn ngày xưa rất kì công, từ khâu chọn vải đến kỹ thuật may. Hiện, tôi đã làm được 25 bộ trang phục tuồng cổ với gần đầy đủ các nhân vật, để tưởng nhớ các thế hệ nghệ sĩ không chuyên tài danh đã làm nên thời kỳ hoàng kim của hát bội Bình Định”, Hoàng Việt bày tỏ.
Hết mình cho phong trào
Hơn 15 năm gắn bó với công việc của một cán bộ văn hóa ở Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, Hoàng Việt đã để lại nhiều dấu ấn trong các chương trình văn hóa văn nghệ. Thỉnh thoảng có dịp trò chuyện, anh hay bày tỏ về những cái khó chung của cán bộ xây dựng phong trào cơ sở. Dù vậy, Hoàng Việt không nản lòng, luôn cố gắng vượt khó để xây dựng phong trào. Không chỉ đảm nhận tốt các chương trình được giao của cơ quan, Hoàng Việt còn thường xuyên đi thực tế ở các xã đảo của TP Quy Nhơn để tìm kiếm, khôi phục lại những di sản văn hóa dân gian. Vừa giúp xây dựng lại đội bả trạo xã Nhơn Hải, Hoàng Việt lại nhiệt tình giúp đỡ tổ chức Hội đánh bài chòi cổ, dựng tuồng cổ cho lực lượng nghệ nhân, diễn viên địa phương.
Hiện nay, Hoàng Việt đang ấp ủ dự định sưu tầm, hệ thống và chỉnh lý lại các kịch bản bài chòi cổ để phục vụ cho công tác dàn dựng phục hồi, bảo tồn. Anh chia sẻ: “Nhiều đam mê quá thì hẳn có người không hiểu sẽ nói “bá nghệ bá tri vị chi bá láp”. Nhưng, đã đam mê thì phải hết mình, không điều gì hạnh phúc bằng thực hiện được những gì mình thích, làm những việc có ý nghĩa”.
Trong việc khôi phục Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định, thành công của Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn luôn được đánh giá cao. Trong đó, Hoàng Việt có đóng góp quan trọng. Nghệ nhân Minh Đức khen ngợi: “Hoàng Việt tiếp thu bài chòi cổ rất nhanh để trở thành một anh hiệu giỏi. Nhờ có Hoàng Việt diễn cùng, tôi mới giới thiệu được những nét đặc sắc trong các trích đoạn “Tam Hạ Nam Đường”, “Lưu Bình - Dương Lễ”…”. Mới đây, anh và nghệ nhân Minh Đức có thêm niềm vui khi được Sở VH-TT&DL Khánh Hòa mời dạy về Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định.
HOÀI THU
Cảm ơn bạn đã đọc và yêu thích nghệ thuật hát Bội của quê hương. trên đây là đ/c mail của mình, còn đt : 0983619809. Rất mong được liên lạc nhe.
Kính Chào Ban biên tập Báo Bình định, Tôi sinh ra ở một thôn nhỏ Xã cát nhơn, Huyện phù cát, tỉnh Bình định. Hiện đang làm việc tại tp HCM. Mỗi năm tôi đều có về thăm quê nhà và thưởng thức hát bội của địa phương. Hiện bộ sưu tập về tuồng của mình cũng khá nhiều , tuy nhiên để hiểu về tuồng thì còn chưa có bao nhiêu hết. Tôi muốn ban biên tập/ PV giúp tôi có được số ĐT hoặc địa chỉ liên lạc của Anh Hoàng Việt để được học hỏi thêm về một môn nghệ thuật của quê cha đất tổ mà tôi yêu thích . Rất mong được giúp đỡ- Liên lạc theo địa chỉ trên. Chân thành cám ơn trước Tôi rất yêu thích nghệ thuật tuồng xin ban biên tập giúp tôi có được số điện thoại / mail liên lạc với Nghệ sĩ Hoàng Việt.