Thương nhớ “Bố Chi”
“Bố Chi” là cách gọi thân thương của cánh phóng viên trẻ đối với bác sĩ Trang Xuân Chi. Còn tôi thì quen gọi anh - em dù tôi nhỏ hơn anh hơn 20 tuổi. Tôi gặp anh lần đầu chừng 30 năm trước. Lúc đó tôi là một phóng viên trẻ, còn anh đã là Chủ nhiệm khoa Nội 2, Bệnh viện Quân y 13, thuộc Quân khu 5. Tôi vào nằm viện để mổ cắt amidan. Qua giới thiệu của một đồng nghiệp, anh đến thăm tôi, và gửi gắm tận tình cho các đồng nghiệp. Sau tôi mới biết, với ai anh cũng nhiệt tình như vậy, sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong khả năng có thể.
Anh nghỉ hưu năm 1992. Là bác sĩ chuyên khoa cấp 1, có nhiều kinh nghiệm, anh được nhiều cơ sở y tế tư nhân mời ra cộng tác nhưng anh đều từ chối. Đến 1997, anh nhận lời mời của Hội CTĐ tỉnh làm tình nguyện viên cho Hội; phụ trách Ban Chăm sóc sức khỏe và phòng khám nhân đạo, đặc biệt theo dõi những nạn nhân da cam và trẻ em khuyết tật. Và cũng từ đây anh trở thành cộng tác viên tâm đắc của Báo Bình Định và cũng thân thiết đối với tôi.
Anh thường viết bài giới thiệu những cây thuốc quý, những bài thuốc gia truyền hay để bạn đọc biết cách trị bệnh bằng thuốc nam, ít tốn tiền. Nhưng viết thường xuyên hơn là mục “Nhịp cầu nhân ái”. Qua đó, anh đưa lên báo những người nghèo bị bệnh nặng và kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng. Và không chỉ có Báo Bình Định, anh còn cộng tác với nhiều báo khác trong nước với mong muốn người bệnh nhận được nhiều hơn sự giúp đỡ. Khó có thể thống kê hết những trường hợp được anh “bắc cầu” để cộng đồng tiếp sức vượt qua bệnh tật. Ước tính mỗi năm, anh kêu gọi quyên góp từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng để cứu sống những bệnh nhân khốn khó.
Không phải nghề viết lách nên những bài báo của anh đôi khi còn rối rắm câu chữ nhưng luôn đánh động lòng người, thức tỉnh được nhiều nỗi niềm trắc ẩn. Bởi ai đã được anh đưa lên báo hẳn là đang rất cần sự cứu giúp của xã hội. Là nhà báo nghiệp dư nhưng anh luôn được cánh làm báo cảm phục và kính trọng. Bởi sau những bài báo của anh, hàng chục, hàng trăm con người đã được cứu sống, đã vượt qua được những căn bệnh hiểm nghèo. Khó có nhà báo nào tạo được hiệu ứng lớn lao đến vậy (anh là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam). Tên anh đã thành “thương hiệu”, tạo được sự tin tưởng của các nhà hảo tâm. Những đồng tiền vận động đến tay anh đều được chuyển đến đúng địa chỉ, thẳng ngay, không tì vết.
Căn nhà của anh trên đường Ngô Mây - TP Quy Nhơn, đã trở thành địa chỉ tin cậy của những người nghèo khó bị bệnh hiểm nghèo. Đến nhà anh chơi lần nào tôi cũng bắt gặp một hai người đến nhờ anh giúp đỡ; hoặc các nhà hảo tâm đến nhờ anh chuyển tiền đến những địa chỉ cần giúp đỡ. Nhưng anh không chỉ biết ngồi đợi. Hầu như tuần nào anh cũng đi; lúc thì đi với đoàn công tác từ thiện nào đó; lúc thì đi một mình đến với những số phận bất hạnh mà anh nghe được. Đi tìm hiểu, ghi chép, chụp ảnh rồi về ngồi vào máy vi tính viết. Sức lực, tấm lòng của anh dường như dành hết cho công việc này. Nhìn người đàn ông gầy gò, ở tuổi gần tám mươi, tôi thật không biết anh lấy đâu ra sức khỏe mà đi, mà làm việc nhiều đến như vậy.
Ghi nhận những đóng góp này, năm 2001, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Tháng 12.2010, tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, anh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Và ngày 27.2.2014, anh lại được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân. Nhưng dường như hạnh phúc lớn nhất của anh là những lúc giúp được ai đó vượt qua bệnh tật hiểm nghèo.
Giữa năm 2014 anh bị bệnh nặng, phải điều trị nhiều đợt ở Bệnh viện Thống nhất (TP Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Quân đội 103 (Hà Nội). Sức khỏe anh ngày càng suy yếu. Nhưng hễ khỏe lên một chút anh lại nói tới những bệnh nhân nghèo bị bệnh nặng, băn khoăn làm sao để giúp đỡ họ. Có lần từ bệnh viện anh điện về nhờ tôi ứng tiền ủng hộ anh Sơn, nhân viên bảo vệ Báo Bình Định mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Rồi tôi lại thấy anh xuất bản tập sách “Những vị thuốc ở quanh ta”, 220 trang, với gần 100 đề mục giới thiệu các cây thuốc quý và bài thuốc hay. Dường như anh muốn chạy đua với thời gian, để thực hiện xong những dự định, ấp ủ của mình dành cho các bệnh nhân nghèo.
Anh mất lúc 12giờ 04 phút ngày 20.1. Vẫn biết sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của muôn đời, song sự ra đi của anh đã để lại nhiều tiếc nuối. Bởi rồi đây những người bệnh nghèo khốn khó mất đi một chỗ dựa, làng báo mất đi một cây bút nặng nhân tình.
Ngọc Minh
Bao nhiêu người thương tiếc Bố, Bố đã sống hết mình vì mọi người, ngày ra đi, Bố vẫn còn lo cho mọi người, thật là một tấm lòng cao cả, mong rằng xã hội còn nhiều người như Bố để những mảnh đời bất hạnh được ấm lòng, cầu mong cho linh hồn Bố được vãng sanh cực lạc quốc. Nam mô a di đà Phật.
Đọc bài viết thật cảm kích với tấm lòng của "Bố Chi".Thật tiếc khi mất đi 1 người như vậy.Cầu mong "Bố Chi" sớm được siêu thoát.
Chẳng biết nói cùng ai... có lẽ lần cuối con gặp bố vào ngày 14-02-2014. Cuộc sống ngắn quá. p/s: bài báo mang nội dung thông tin rất nhanh.
Kính mong anh nơi cõi vĩnh hằng an nghỉ, người nghèo Quy Nhơn, Bình Đinh luôn nhớ đến người Anh, người thấy thuốc,người anh cả giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Mong anh về nơi vĩnh hằng yên nghỉ
Cảm ơn tấm lòng bác dành cho những bệnh nhân nghèo. Xã hội rất cần những người có tấm lòng như bác "Một trái tim nối những trái tim" Kính cẩn tiễn biệt bác.