Công tác tư pháp năm 2014: Những bất cập và nguyên nhân
Những bất cập trong công tác cán bộ và hoạt động tham gia tố tụng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2015, do UBND tỉnh tổ chức ngày 19.1.
Năm 2014, công tác tư pháp của tỉnh đạt được những kết quả tốt, trong đó có việc triển khai thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải cơ sở, xử lý vi phạm hành chính, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp (công chứng, bán đấu giá tài sản), thi hành án (số việc thi hành án đạt 93,65%, đứng 23/63 tỉnh thành). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì ngành tư pháp vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.
Tại hội nghị, đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng việc tham mưu xây dựng chương trình văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh còn nhiều bất cập. Cụ thể, có đến 18 văn bản trong chương trình chưa được ban hành, trong khi đó, có đến 21 văn bản nằm ngoài chương trình lại được bổ sung vào. Bên cạnh đó, việc công bố, công khai thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính về tư pháp của một số cơ quan, đơn vị còn chậm, hồ sơ tồn, quá hạn nhiều. Đến nay, việc triển khai thực hiện các biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa thực hiện, việc triển khai Luật nuôi con nuôi, nhất là con nuôi có yếu tố nước ngoài, còn chậm.
Trước ý kiến của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp.
Ông Lê Kim Chinh, Phó phụ trách Phòng Văn bản pháp quy, Sở Tư pháp, nêu thực trạng: Hiện nay đa số cán bộ làm công tác pháp chế ở các cơ quan, đơn vị đều kiêm nhiệm, một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chưa bố trí cán bộ làm công tác pháp chế. Bên cạnh đó, một số sở, ngành chưa thực hiện đúng quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh, UBND tỉnh: không gửi văn bản cho Sở Tư pháp thẩm định theo quy trình, gởi không đúng thời gian quy định, không gởi kèm tài liệu để phục vụ cho công tác thẩm định... Công tác tự kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức... Chính những điều này đã làm chậm tiến độ công việc xây dựng, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, hoạt động tham gia tố tụng cũng còn bất cập. Theo thống kê của TAND tỉnh, năm 2014, toàn tỉnh có 5.000 vụ án không có người bào chữa. Còn Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh thì năm qua tham gia tố tụng cho 243/2.004 vụ việc TGPL. “Sở dĩ có thực tế này là do quy định đối tượng được TGPL bó hẹp trong diện người khuyết tật, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi đó nhu cầu TGPL của người dân thì tăng cao và ở nhiều đối tượng, nên chúng tôi không thể tiếp cận hết”, ông Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, phân tích.
Nêu giải pháp cho vấn đề này, ông Chưa đề nghị: “Nên mở rộng đối tượng được TGPL trong tham gia tố tụng, nhất là người dân ở các xã nghèo, hội, đoàn viên các hội, đoàn thể và người dân khi có liên quan đến vụ việc, vụ án yêu cầu TGPL. Cần tăng cường hơn nữa các hoạt động TGPL lưu động, hàng năm tổ chức ít nhất là ở 30% địa bàn thôn, khu vực dân cư, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân”.
Còn để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, ông Lê Kim Chinh đề xuất: “UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tuân thủ quy định của pháp luật về quy trình, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh; Chính phủ, Bộ Tư pháp cần linh hoạt về tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế, không nhất thiết phải có trình độ cử nhân Luật mà có thể có trình độ cử nhân khác nhưng phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế hàng năm; Bộ Tư pháp sớm ban hành bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về tình hình thi hành pháp luật và xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan để cung cấp thông tin, hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu công tác xử lý vi phạm hành chính được hiệu quả”.
KIỀU ANH