Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi dân gian:
Nhìn nhận đúng để thực hiện hiệu quả
Qua các hội thảo quốc gia, quốc tế, liên hoan về nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung được tổ chức gần đây tại TP Quy Nhơn, đã có sự nhìn nhận đa chiều về loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này. Qua đó rút ra nhiều kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy bài chòi dân gian Bình Định.
Nhìn nhận đúng
Tại Hội thảo “Nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam, hiện trạng và vấn đề bảo tồn” được tổ chức vào tháng 9.2014 ở TP Quy Nhơn, khi xem trích đoạn bài chòi cổ Tam Hạ Nam Đường do hai nghệ nhân Minh Đức và Hoàng Việt biểu diễn, nghệ nhân bài chòi cao niên của Bình Định Lê Thị Đào cho biết, ngày xưa bà đi hát mặc thường phục đơn sơ, còn bây giờ diễn viên trang phục lòe loẹt… Từ ý kiến này, có nhà nghiên cứu cho rằng các nghệ nhân Bình Định biểu diễn trích đoạn bài chòi cổ nhưng trang phục của tuồng đã “xâm phạm” đến tính đặc thù của bài chòi cổ.
Ý kiến trên của nhà nghiên cứu đã gây ra tranh luận xung quanh việc nhìn nhận về bài chòi dân gian ở Bình Định. Tại Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật bài chòi dân gian Việt Nam và những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới” vừa được tổ chức, nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền PGS.TS Nguyễn Thụy Loan đã khẳng định: Ở nước ta chưa bao giờ trang phục được dùng làm yếu tố chủ chốt để xác định thể loại hoặc loại hình nghệ thuật biểu diễn.
Qua tham khảo ý kiến một số nhà nghiên cứu, nghệ sĩ tuồng, PGS.TS Nguyễn Thụy Loan nhìn nhận: “Sắc thái tuồng là một trong những tế bào chính cấu thành, thậm chí là tố chất nằm ngay trong lòng tế bào của nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định từ thuở ban sơ… Vì vậy, có nhất thiết vịn vào cái xưa để phê phán, chối bỏ cái mới, khi những đổi mới không “quá lố” và không làm méo mó bản chất của loại hình nghệ thuật. Với đặc tính vận động và phát triển không ngừng của nghệ thuật dân gian, không nên và không thể bắt nghệ thuật dân gian cùng các yếu tố của nó phải đóng băng ở một dạng nào đó, hoặc ở một giai đoạn nào đó trong quá trình phát triển tự nhiên của nó”.
Bảo tồn và phát huy giá trị
“Cách đây hơn 10 năm, Hội An đã bắt đầu truyền dạy hát dân ca bài chòi vào các trường học. Hiện Hội An đã có gần 1.000 lượt học sinh học hát để tiếp cận và dần yêu thích dân ca bài chòi. Hội đánh bài chòi Hội An cũng được mời đi giao lưu với nhiều tỉnh, thành từ Bắc vào Nam và “xuất ngoại” trình diễn. Hiện tại, nghệ thuật hát và trò chơi bài chòi Hội An được tổ chức phục vụ 2 suất/ngày trong các tour tham quan phố cổ, đồng thời Nhà hát Nghệ thuật cổ truyền Hội An cũng phục vụ 1 suất/ngày”, ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Hội An, cho biết.
Liên hoan Nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung lần đầu tiên được tổ chức tại TP Quy Nhơn vào tối 12.1, đã phần nào giúp người xem thấy được những nét khác biệt trong cách thức trình diễn bài chòi dân gian của các tỉnh, thành. Trong hội đánh bài chòi của các nghệ nhân đến từ huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, thì các hiệu hô hát dựa trên các làn điệu dân ca Bình Trị Thiên nên chậm rãi, nhẹ nhàng và không thấy có những chiêu trò tạo sự sôi nổi, lôi cuốn người chơi.
Hội đánh bài chòi ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam sinh động, tươi vui hơn, nhưng cách thức tổ chức hội chơi và hô hát bài chòi cũng cần được nâng cao hơn. Chương trình giới thiệu về hội đánh bài chòi dân gian Bình Định được các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đánh giá cao ở cách thức tổ chức bài bản ngay từ nghi thức khai trương, đến lực lượng hiệu hùng hậu có nghệ thuật hô thai, trình diễn đa dạng và cuốn hút. GS.TS Trần Quang Hải nhận xét: “Hội đánh bài chòi Bình Định được tổ chức hấp dẫn, đậm nét truyền thống ngay từ cách thức dựng chòi, đến nghệ thuật hô bài chòi mang nét đặc trưng riêng của các hiệu”.
Công tác bảo tồn nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định trong những năm qua đã có được những thành quả đáng ghi nhận, nhưng chưa xây dựng được kế hoạch “dài hơi” để truyền dạy dân ca bài chòi đến lực lượng trẻ như cách làm ở TP Hội An. Hiện Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định mới được biểu diễn định kỳ thường xuyên vào 3 đêm cuối tuần tại TP Quy Nhơn trong gần một năm qua, cùng 2 lần được mời đi giới thiệu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định trong thời gian tới cần tiếp tục được nâng cao thông qua những chương trình hoạt động mang tính bền vững và có sức lan tỏa sâu rộng hơn nữa.
HOÀI THU