Tín hiệu khởi sắc của mỹ thuật An Nhơn
Song hành cùng với lớp họa sĩ đã có tên tuổi trong làng nghệ thuật tỉnh nhà, một lớp người trẻ cầm cọ với những khao khát sáng tạo nghệ thuật cũng đã xuất hiện. Các triển lãm mỹ thuật quy tụ nhiều lớp họa sĩ cũng dần định hình tính chuyên nghiệp. Những tín hiệu ấy gom tụ, mang đến một sức sống mới cho phong trào mỹ thuật ở thị xã An Nhơn.
1. Đời sống mỹ thuật ở An Nhơn lâu nay khá trầm lắng. Để phát triển đồng bộ các loại hình nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật đầu xuân ra đời, dần định hình tính chuyên nghiệp với sự tham gia của các nghệ sĩ “lão thành” và những họa sĩ trẻ ở An Nhơn.
Họa sĩ Từ Văn Minh, Trưởng Phòng VH-TT thị xã An Nhơn, chia sẻ: “Hiện nay, lực lượng làm công tác mỹ thuật trong nhà trường tương đối đông, nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa thể hiện thế mạnh. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân thị xã cũng vì thế chưa được đáp ứng. Việc tổ chức nhiều triển lãm mỹ thuật là một trong những cách để tập hợp và phát triển lực lượng, đưa phong trào sáng tác mỹ thuật phát triển”.
Với ý tưởng đó, triển lãm mỹ thuật đầu xuân Quý Tỵ 2013 tại An Nhơn đã quy tụ 12 họa sĩ trên nhiều địa bàn thị xã. Ngoài ra, triển lãm còn có sự góp mặt của các họa sĩ thuộc Chi hội Mỹ thuật tỉnh, như một sự động viên, khích lệ cho phong trào. Các tác phẩm thể hiện sự ổn định về chất lượng nghệ thuật qua các phong cách sáng tác: hiện thực, lập thể, siêu thực, trừu tượng…
Trong lần thứ ba tổ chức, triển lãm có 26 tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn sáng tạo và niềm đam mê của họa sĩ. 20 tác phẩm hội họa với đủ chất liệu như sơn dầu, acrylic, sơn mài, xé dán, khắc gỗ… cùng 6 tác phẩm điêu khắc chất liệu gốm sứ, thân cây, gỗ… thể hiện sự sinh động, đa dạng trong bút pháp, phong phú trong đề tài mang đậm hơi thở cuộc sống.
2. Vẻ đẹp quê hương là một đề tài quen thuộc trong sáng tác của các họa sĩ, mỗi người một vẻ, nhưng đều hướng về nguồn cội. Tranh sơn dầu “Dấu cát” của Tuấn Sơn mang âm hưởng của chủ nghĩa trừu tượng với gam vàng chủ đạo, như một sự gợi nhớ về phố biển đầy những bãi cát vàng. Vẫn là những hình ảnh phố phường, họa sĩ Văn Cần thể hiện nỗi nhớ về quê hương, gia đình qua tác phẩm “Bóng tịch liêu” (Acrylic) lại là sự kết hợp giữa trường phái Lập thể và Trừu tượng. Cũng với đề tài đó, “Đôi bạn” (sơn dầu) của họa sĩ Từ Văn Minh được biểu hiện với phong cách hiện thực nhưng vẫn không kém lãng mạn. “Vũ khúc sinh tồn” (sơn dầu) của Trần Tuấn mang phong cách siêu thực, nhưng lại đậm hơi thở cuộc sống…
Bên cạnh đó, chủ đề về tĩnh vật cũng được các họa sĩ yêu thích lựa chọn, với “Lãng mạn” (sơn dầu) của Nguyễn Đình Phúc, “Tĩnh vật” (sơn dầu) của Từ Văn Minh… Nhìn chung, các sáng tác của lớp họa sĩ chuyên nghiệp đã thể hiện kỹ thuật tạo hình điêu luyện, giàu tính biểu đạt với những gam màu nồng ấm.
Qua triển lãm lần này, các họa sĩ trẻ cũng dần khẳng định mình với bút pháp đặc trưng. Các tác phẩm “Đường về cội nguồn” (sơn dầu) và “Phong cảnh” (khắc gỗ đen trắng) của Lý Quốc Sinh cho thấy bóng dáng của một cây cọ vững vàng về kỹ thuật. “Sen hồng” và “Đường cong” (lụa) của Phạm Thị Vân lại thể hiện được sự biến ảo kỳ diệu, đầy tinh tế của chất liệu. Tuy đề tài sáng tác không mới, nhưng các họa sĩ trẻ đã mang đến sự trong trẻo khi thể hiện những nét đẹp của cuộc sống.
Hy vọng, sự cộng hưởng từ hoạt động triển lãm mỹ thuật, với sự mạnh dạn tham gia của nhiều cây cọ trẻ là tiền đề để phong trào mỹ thuật An Nhơn phát triển, góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của người dân.