Tự đổi mới, tự chỉnh đốn
Đảng ta đã xếp tham nhũng là một trong những tệ nạn nguy hại bậc nhất cần phải loại trừ. Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Đảng từ sau Đại hội XI đến nay đã đạt được những thành công nhất định, mang lại niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên, thực trạng tham nhũng hiện nay vẫn còn nhức nhối, đòi hỏi các cấp ủy Đảng phải có những giải pháp quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.
Trong lịch sử 85 năm, Đảng ta luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Một trong những phần việc quan trọng nhất là đấu tranh PCTN từ ngay trong nội bộ Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng ta, đã chỉ rõ: Tham ô với những biến thái xấu xa của nó, là kẻ thù bên trong, nó như những tế bào hại xâm nhập vào cơ thể con người.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn đấu tranh quyết liệt với tệ nạn tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt 10 năm trở lại đây, Đảng ta có nhiều chủ trương, biện pháp quyết liệt đấu tranh PCTN. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã xác định: "Đấu tranh PCTN, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội". Đảng chỉ đạo: "Thành lập các ban chỉ đạo PCTN TƯ và địa phương đủ mạnh, có thực quyền, hoạt động có hiệu quả". Hội nghị TƯ 3 (khóa X) đã ra Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí. Nghị quyết đã đề cập một cách toàn diện, tập trung về công tác PCTN, lãng phí với quyết tâm: "Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính".
Từ sau Đại hội XI của Đảng, công tác PCTN càng được tăng cường. Ban chỉ đạo PCTN TƯ đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Đảng đã tái thành lập Ban Nội chính TƯ và các Ban Nội chính trực thuộc cấp ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ để theo dõi, đôn đốc công tác PCTN trong toàn Đảng, toàn quốc. Đặc biệt, TƯ Đảng đã ban hành Nghị quyết TƯ 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đề ra các giải pháp nhằm chỉnh đốn Đảng. Trong đó, PCTN là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Cũng vì thế, Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) được coi là nghị quyết có tầm vóc lịch sử, thể hiện sự hòa quyện ý Đảng với lòng dân, một nghị quyết đáp ứng đúng những đòi hỏi, quan tâm, lo lắng, của toàn Đảng.
Kết quả PCTN từ sau Đại hội XI của Đảng đến nay rất đáng trân trọng. Biện pháp tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) có ý nghĩa rất lớn trong việc cảnh báo, thức tỉnh, răn đe đối với bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái. Các giải pháp kiểm tra, giám sát trong Đảng nói riêng và trong xã hội nói chung đã được tăng cường về mật độ, tần suất... Dân chủ ngày càng được mở rộng, sự tham gia PCTN của người dân ngày càng mạnh mẽ. Hệ thống tư pháp được cải cách theo hướng ngày càng tiến bộ đã nâng cao năng lực hành động của các lực lượng thực thi và bảo vệ pháp luật. Công tác PCTN đã chú ý cả công tác xây dựng thể chế, công tác tuyên truyền, giáo dục; tăng cường kiểm tra, đôn đốc PCTN; đồng thời đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp... Trong nỗ lực tổng thể PCTN dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện có hiệu quả bốn giải pháp: Cải cách hành chính; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (nhất là trách nhiệm giải trình trong việc thực thi công vụ); xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Kết quả đấu tranh trực diện với tệ nạn tham nhũng càng củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Chỉ tính riêng năm 2014, Viện KSND các cấp đã truy tố 329 vụ/751 bị can về tội tham nhũng (tăng 20 vụ so với cùng kỳ năm trước). TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 287 vụ, 675 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 9 vụ, 91 bị cáo so với năm 2013). Đặc biệt, nhiều "đại án" đã lần lượt được đưa ra xét xử. Năm 2014, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, phát hiện và điều tra xử lý nhiều vụ tham nhũng, vụ án kinh tế lớn... Tiến trình đấu tranh PCTN thời gian qua thể hiện đúng tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: "Đảng ta kiên quyết PCTN, lãng phí. Chống tốt là để phòng tốt. Tất cả các cấp không có vùng cấm với tinh thần kiên quyết làm, làm có hiệu quả".
Tuy nhiên, có thể thẳng thắn nhận định rằng: Kết quả đấu tranh PCTN thời gian vừa qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng và sự mong mỏi của nhân dân. Tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra nhức nhối. Tham nhũng trong khu vực công vẫn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Đấu tranh PCTN mới được chú trọng ở "phần ngọn", hành vi phạm tội đã hoàn thành và để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế. Tình trạng tham nhũng vặt vẫn phổ biến và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong bảng xếp hạng 175 quốc gia về Chỉ số Cảm nhận tham nhũng 2014 do Tổ chức Minh bạch quốc tế thực hiện, nước ta chỉ đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119.
Trong phiên họp cuối năm 2014, Ban chỉ đạo PCTN TƯ cũng chỉ rõ, việc thực hiện một số giải pháp phòng, ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp. Đặc biệt, Ban chỉ đạo nêu rõ: "Vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, tính gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong công tác PCTN chưa cao". Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Chống tham ô lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận". Nhìn từ những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay được chỉ ra trong Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) có thể thấy, PCTN là hạt nhân trong việc tự chỉnh đốn của Đảng. Điều này đòi hỏi các cấp ủy Đảng từ TƯ tới cơ sở phải nỗ lực hơn nữa trong PCTN, cần có thêm những "liều thuốc" đặc trị tệ nạn này. Nhiệm vụ của mỗi đảng viên, của từng tổ chức Đảng là không thể để PCTN là một khâu yếu trong công tác Đảng.
Theo Võ Lâm (HNM)