Từ “hiện tượng” Canh Thuận: Ðộng lực từ những trưởng làng trẻ
Sự năng nổ, đổi mới trong phát triển kinh tế và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc của những trưởng làng trẻ ở xã Canh Thuận (Vân Canh) đã giúp họ tạo được uy tín nhất định trong cộng đồng, góp phần tích cực trong việc vận động bà con nơi đây thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Không chỉ có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, những trưởng làng trẻ tuổi ở Canh Thuận đều là những người đi đầu trong phát triển kinh tế.
- Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Thạch cày đất chuẩn bị trỉa đậu phụng.
Xã Canh Thuận có 8 thôn, làng thì trong đó đã có 5 trưởng làng đồng bào dân tộc thiểu số là người trẻ, dưới 40 tuổi. Trong đó, trẻ nhất là anh Đinh Văn Khai, trưởng làng Cà Bưng, 26 tuổi; lớn tuổi nhất là anh Đinh Văn Dũng, trưởng làng Hà Văn Trên, 39 tuổi. Năm 2014, cả xã Canh Thuận có 60 hộ thoát nghèo, trong đó có 8 hộ tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Kết quả này đưa Canh Thuận thành một hiện tượng thú vị ở huyện Vân Canh, và những trưởng làng trẻ đóng góp khá nhiều để Canh Thuận thành “hiện tượng”.
Tinh thần trách nhiệm+ biết làm ăn
Đây là “công thức chung” về tiêu chuẩn của người được bầu chọn vào vị trí trưởng làng, và được hiểu như một quy ước “bất thành văn” của đồng bào người Bana ở Canh Thuận. Vậy nên, hầu hết những trưởng làng trẻ ở xã Canh thuận đều không chỉ có lòng nhiệt huyết, tinh thần tập thể, vì cộng đồng, mà còn biết làm ăn giỏi, được bà con lấy làm tấm gương để học tập.
Tôi gặp anh Nguyễn Văn Thạch, 37 tuổi, trưởng làng Hòn Mẻ, khi anh đang chăm chú lái máy cày cày từng luống đất chuẩn bị trỉa đậu phụng. Chỉ tay vào chiếc máy cày, anh Thạch vui vẻ cho biết: “Mình vừa mới sắm “con” này hơn 220 triệu đồng. Có nó tiện lắm, vừa cày đất của gia đình, rảnh rỗi thì cũng có thể đi cày thuê cho bà con trong làng. Cày nợ thôi, khi nào bà con có tiền thì mới trả”. Hiện tại, ngoài trồng đậu phụng, anh Thạch còn trồng hơn 9 sào lúa, 1 ha mì, hơn 4 ha keo và 2 ha mía chuẩn bị thu hoạch. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, anh Thạch thu lãi hơn 50 triệu đồng, một khoản thu nhập đáng kể so với đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn nơi đây.
Không kém cạnh, anh Đinh Văn Vượt, 36 tuổi, trưởng làng Hà Lũy, cũng thu 20 - 25 triệu đồng/năm từ trồng mì và chăn nuôi bò. Ngoài ra, anh còn 5 ha keo từ 2-3 năm tuổi, chưa thu hoạch.
Không chỉ anh Thạch, anh Vượt, nhiều trưởng làng trẻ khác ở Canh Thuận cũng làm kinh tế giỏi như: anh Dũng, trưởng làng Hà Văn Trên; anh Khai, trưởng làng Cà Bưng. Bằng sự cần cù, chịu khó, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên các trưởng làng trẻ ở Canh Thuận luôn là những người đi đầu trong việc phát triển kinh tế tại địa phương, từ đó tạo được niềm tin trong cộng đồng.
Làm gương cho bà con noi theo
Trong bối cảnh đời sống của người dân tộc thiểu số ở Canh Thuận nói riêng và huyện Vân Canh nói chung còn gặp nhiều khó khăn, nỗi trăn trở chung của các trưởng làng trẻ tuổi nơi đây là làm sao để đời sống bà con ngày càng ổn định, cải thiện và phát triển.
Anh Đinh Văn Dũng, 39 tuổi, trưởng làng Hà Văn Trên là người đầu tiên ở làng mạnh dạn thử nghiệm mô hình trồng xen canh cây mì, keo và lúa rẫy trên cùng một diện tích đất sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao. Anh Dũng cho biết: “Trồng keo thì 6 - 7 năm mới thu hoạch, trong thời gian đó, nếu không lấy ngắn nuôi dài, trồng xen canh cây mì và lúa rẫy thì bà con mình lấy cái gì để bỏ vào bụng. Nhờ mô hình này mà hàng năm tôi có thu nhập hơn 20 triệu đồng”. Từ thực tế công việc của gia đình mình, anh đã vận động Ban quản lý làng gương mẫu thực hiện trước, rồi vận động bà con trong làng cùng làm theo. Đến nay mô hình đã được nhân rộng ra toàn làng.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến bà con luôn được các trưởng làng chú trọng. Trước mỗi buổi họp làng hàng tháng, các anh đều đến từng hộ gia đình để vận động bà con đi họp đầy đủ. Trưởng làng Hà Văn Trên Đinh Văn Dũng chia sẻ kinh nghiệm 7 năm làm trưởng làng của mình: “Khi có chủ trương hay chính sách gì cần tuyên truyền xuống cho bà con thì các trưởng làng phải nắm chắc trước, khi nói thì phải nói một cách khéo léo, dễ hiểu để bà con nghe và thực hiện. Nếu bà con nào không hiểu thì phải giải thích ngay tại buổi họp làng để mọi người đều hiểu. Còn trong công tác hòa giải các mâu thuẫn tại địa phương như tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong gia đình thì cần xử lý một cách hài hòa, không được o ép bên nào, nếu cần thì phối hợp với các làng khác, và phải xử lý triệt để tại làng chứ không để đưa ra tới xã. Nhờ vậy mọi chủ trương, pháp luật đều được bà con tự giác thực hiện, các hủ tục lạc hậu tại địa phương dần được xóa bỏ, đời sống của người dân ngày một được nâng cao.
Ông Lơ O Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Canh Thuận nhận xét: “Trong công tác tổ chức cán bộ, xã luôn chú trọng đến những cán bộ trẻ tuổi và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Năm 2014, tỉ lệ hộ nghèo trong xã giảm 3,93% so với năm 2013. Tôi tin rằng với sự năng nổ, tinh thần trách nhiệm cao, cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ thì những trưởng làng trẻ tuổi sẽ đủ sức đảm đương được nhiệm vụ của mình”.
NGUYỄN HỒNG PHÚC