Thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng:
Vướng mắc trong xử lý tài sản thế chấp
Thời gian qua, việc thi hành án (THA) cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các tài sản thế chấp.
Tỉ lệ thi hành án thấp
Trong năm 2014, toàn tỉnh thụ lý 183 việc THA cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng, tương ứng với số tiền gần 574,3 tỉ đồng (tuy chỉ chiếm 1,8% về việc nhưng lại chiếm đến 68% về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết trong năm 2014). Đến hết năm 2014, ngành đã giải quyết được 35 việc, thu được số tiền trên 101 tỉ đồng (chiếm 0,35% về việc và 12% về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết trong năm 2014). Trong đó, riêng Cục Thi hành án dân sự tỉnh (THADS tỉnh) đã thi hành được 9/38 việc đã thụ lý, tương ứng với số tiền đã giải quyết là 82,6 tỉ đồng/685,8 tỉ đồng phải thi hành.
Theo đánh giá của Đoàn Khảo sát thuộc Tổng cục THADS và Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tư pháp) trong cuộc làm việc mới đây với Cục THADS tỉnh và các ngân hàng, tổ chức tín dụng tại Bình Định, tỉ lệ THA loại việc này của Bình Định thấp và phản ánh đúng thực trạng chung của toàn quốc.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Cục THADS đã cho biết, để THA loại này, các cơ quan THADS phối hợp với các ngân hàng, đồng thời thuyết phục, đưa ra các phương thức, biện pháp thích hợp để đương sự tự nguyện thi hành, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên. Đến nay, hầu hết các vụ việc THA cho ngân hàng đều được áp dụng các biện pháp cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản để đảm bảo THA. Tuy nhiên, có nhiều tài sản đã kê biên nhưng chưa xử lý được, đang gặp nhiều vướng mắc, do tính pháp lý đối với một số tài sản thế chấp chưa rõ ràng.
Cụ thể, phải xử lý tài sản hình thành trên đất trước khi xử lý quyền sử dụng đất thế chấp; tài sản thế chấp là nhà ở, quyền sử dụng đất giữa thực tế và giấy tờ có sự khác nhau cơ bản về hiện trạng, diện tích hoặc tự ý thay đổi hiện trạng sau khi thế chấp; đất đang có tranh chấp hoặc một phần diện tích đất thế chấp nằm trong phần quy hoạch, mở rộng hành lang đường bộ không thể xử lý. Không những vậy, người phải THA đã tẩu tán nhiều tài sản là động sản hoặc đã bị người thứ 3 chiếm giữ.
Trách nhiệm của ngân hàng
Theo ông Đinh Văn Triều, Giám đốc Ngân hàng TMCP Vietcombank chi nhánh Phú Tài, trước khi khởi kiện ra toà án, ngân hàng đã làm việc rất nhiều lần với các bên để thỏa thuận phương án trả nợ, nhưng nhiều việc không thành, rất nhiều tài sản vướng chưa xử lý được. Dù ngân hàng đã đồng ý giảm một phần lãi suất theo đề nghị của người phải THA, nhưng sau đó họ cũng không chịu THA số tiền còn lại. Thậm chí, một số doanh nghiệp lúc vay là DNTN nhưng đến khi xảy ra việc thì chuyển sang thành lập công ty TNHH, khác nhau về tư cách pháp lý, nên ngân hàng cũng không thể áp dụng các biện pháp đảm bảo để THA đối với công ty TNHH, hoặc cũng không thể xử lý nguồn tiền công ty có tại các tài khoản hoặc các tài sản hình thành từ công ty.
Còn ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Tài, thì cho hay: Theo quy định, một số trường hợp không cho phép ngân hàng xử lý tài sản mà phải thông qua việc tố tụng nên kéo dài thời gian thu hồi nợ. Đã vậy, thủ tục yêu cầu THA lại yêu cầu người được THA phải chứng minh, cung cấp điều kiện THA của người phải THA. Trong khi đó, người phải THA có tài sản mà đã bị tẩu tán ở nhiều địa phương khác nhau nên xác minh rất khó khăn. “Cần quy định trách nhiệm xác minh điều kiện THA là của chấp hành viên để có đủ thẩm quyền áp dụng kịp thời các biện pháp đảm bảo nếu đương sự tẩu tán tài sản. Đối với những vướng mắc về tài sản giữa thực tế với giấy tờ, hoặc đất nằm trong hành lang mở rộng đường bộ, các cấp có thẩm quyền sớm chỉ đạo để xử lý tài sản kịp thời”, ông Hoàng kiến nghị.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Trung Thuận, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh, thì: “Những vướng mắc nêu trên có phần trách nhiệm của các ngân hàng vì đã tắc trách khi xác minh, thẩm định tài sản thế chấp, nhất là giá trị, quyền sở hữu, tính pháp lý, tình trạng thực tế của tài sản thế chấp. Sau khi nhận thế chấp, ngân hàng cũng đã không theo dõi, quản lý tài sản, đề cao trách nhiệm của mình trong việc xử lý vi phạm. Theo tôi, các ngân hàng phải khắc phục được những hạn chế trên thì mới đảm bảo việc xử lý tài sản để thu hồi nợ”.
CÔNG HOÀNG