Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, thực hiện các quy định PCCC
(BĐ) - Đây là một trong những nội dung quan trọng được phổ biến tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn chuyên sâu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC), do Bộ CA tổ chức sáng 23.1. Tại điểm cầu Bình Định, lãnh đạo CA tỉnh và một số sở, ngành liên quan đã tham dự.
Luật PCCC có hiệu lực từ ngày 4.10.2011. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không theo kịp với sự phát triển của xã hội, nhất là chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC.
Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC (có hiệu lực từ ngày 1.7.2014) đã sửa đổi, bổ sung 33 điều trên tổng số 65 điều của Luật PCCC, tập trung vào những vướng mắc, bất cập nổi cộm. Theo đó, Luật quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, phải có trách nhiệm: tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC; ban hành theo thẩm quyền nội quy, biện pháp PCCC; tổ chức thực hiện, giám sát chấp hành quy định về PCCC và bảo đảm kinh phí cho hoạt động PCCC. Chủ hộ gia đình có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở các thành viên trong nhà thực hiện quy định về PCCC, bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC, quản lý chặt chẽ, sử dụng an toàn chất dễ cháy nổ.
Về phòng cháy rừng, Luật quy định UBND các cấp, chủ rừng phải thực hiện các biện pháp phòng cháy phù hợp với cấp độ cảnh báo nguy cơ cháy rừng; khi lập quy hoạch, dự án phát triển rừng phải có giải pháp PCCC cho từng loại rừng.
Đối với việc phòng cháy ở các chợ, trung tâm thương mại, kho hàng, phải tách riêng hệ thống điện phục vụ kinh doanh với hệ thống điện bảo vệ và chữa cháy; sắp xếp các hộ kinh doanh, ngành hàng đáp ứng yêu cầu an toàn về PCCC, có lối thoát nạn theo đúng quy định...
THU HÀ