Kiên quyết tinh giản biên chế
Cách đây hai năm, câu chuyện bộ máy các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước quá lớn, nhưng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) còn nhiều bất cập đã được nêu ra. Một trong những bất cập lớn nhất là “Trong bộ máy của chúng ta hiện có khoảng 30% công chức không có cũng được, bởi họ chỉ là những người “sáng cắp ô đi tối cắp về”, không mang lại tí hiệu quả công việc nào” như lời Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ, hiện cả nước có đến 2,8 triệu CBCCVC (bao gồm cả lực lượng vũ trang). Đây là con số khá lớn so với các nước trên thế giới nên đòi hỏi cần phải được bố trí, sắp xếp, tinh gọn lại để vừa đảm bảo hiệu lực quản lý vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy. Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI mới đây đã thông qua Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC. Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là phấn đấu tạo sự chuyển biến rõ rệt trong tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC; thu hút được những người có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị công lập của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thực tế cho thấy đây không phải là vấn đề mới. Từ nhiều năm qua, chủ trương cải cách nền hành chính, nâng cao hiệu quả công việc, nâng cao chất lượng bộ máy CBCCVC theo hướng tinh gọn biên chế đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo và đã có nhiều vấn đề được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, cho đến nay cũng mới chỉ tinh giản được 8% CBCCVC so với mục tiêu đặt ra là tinh giản 15% biên chế. Do vậy, Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC vừa được Hội nghị Trung ương lần thứ 10 thông qua đã xác định rõ yêu cầu: Kiên quyết tinh giản biên chế, không tăng biên chế, không thành lập tổ chức mới, nhưng phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp về tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế CBCCVC theo hướng tập trung, thống nhất; đẩy mạnh rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế ở tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị; xây dựng cơ cấu đội ngũ CBCCVC theo ngạch chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ...
Cần khẳng định, chủ trương tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước là cần thiết và cần phải được tổ chức triển khai thực hiện một cách nhanh chóng và có hiệu quả. Để thực hiện tốt, trước hết thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị phải làm tốt công tác đánh giá thực chất hiệu quả công việc của từng CBCCVC để bố trí công việc phù hợp, rà soát lại cơ cấu tổ chức để sắp xếp công việc theo hướng tinh gọn, hiệu quả; kiên quyết tinh giản những cán bộ, công chức, viên chức thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm, làm việc kém hiệu quả…
Chỉ khi nào trong bộ máy không còn tình trạng CBCCVC “dựa bắp cày ăn rơm” thì hiệu quả công việc của cơ quan, đơn vị mới được nâng cao, phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ được giao. Và đó chính là mục tiêu mà Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC lần này đặt ra.
H.Đ