Công tác DS-KHHGĐ: Nhiều chỉ tiêu cao hơn bình quân cả nước
Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Nguyễn Văn Quang, đến thời điểm này, nhiều chỉ tiêu công tác DS-KHHGĐ của tỉnh ta cao hơn so với bình quân cả nước. Đó là một trong những thách thức đáng kể đòi hỏi nỗ lực của ngành và sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả cộng đồng trong thời gian tới.
Việc cắt giảm kinh phí hoạt động, chủ yếu là trên lĩnh vực truyền thông khiến cho Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ khó đạt các chỉ tiêu đề ra.
- Trong ảnh: Hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên được tổ chức tại Trường THPT iSCHOOL Quy Nhơn.
Theo kết quả của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ, năm 2014 là năm thứ 9 liên tiếp Việt Nam đạt và duy trì được mức sinh thay thế với tổng tỉ suất sinh đạt 2,09 con/phụ nữ. Trong tình hình chung đó, mức sinh thay thế của tỉnh đã vượt ở mức 2,22 con/phụ nữ. Cũng trong năm này, tỉ lệ sinh con thứ 3 của tỉnh ta là 14,5%, tuy có giảm so với năm 2013 nhưng vẫn thuộc “top” cao của cả nước. Tỉ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh vẫn còn ở mức thấp (không đạt chỉ tiêu 10% phụ nữ mang thai và 25% trẻ sơ sinh được sàng lọc).
Bên cạnh đó, nhiều phân tích cho thấy năng lực đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ vẫn chưa theo kịp với nhu cầu mới về công tác DS-KHHGĐ. Trong khi đội ngũ cấp xã chưa tuyển dụng đầy đủ, thì một số trúng tuyển xong lại bỏ việc. Việc bó hẹp đối tượng được hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ theo Thông tư 20/BYT-BTC trong điều kiện Trung ương chưa ban hành giá dịch vụ KHHGĐ khiến địa phương chưa thể thực hiện xã hội hóa, phần nào ảnh hưởng đến kết quả của chương trình.
Một vấn đề gây khó khăn và “đau đầu” là kinh phí tổ chức thực hiện các chương trình hoạt động. Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, năm 2014, kinh phí đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giảm rất mạnh, không đủ nguồn lực đảm bảo thực hiện các hoạt động thiết yếu nhằm đạt các mục tiêu. Cụ thể, ngân sách cho Chương trình thấp nhất trong 4 năm 2011-2014, chưa bằng 65% kinh phí năm 2013, chỉ bằng 1/2 kinh phí năm 2012 và không có vốn ODA.
“Giải pháp truyền thông vận động rất quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ. Năm nay lại là năm cuối cùng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2012-2015. Tuy nhiên, việc cắt giảm ngân sách lại tập trung vào kinh phí truyền thông được dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả của chương trình”, bác sĩ Nguyễn Văn Quang nhận định.
Ngày 20.1, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác DS-KHHGĐ năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015. Tại hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Tổng cục DS-KHHGĐ cần chú trọng công tác xây dựng Luật DS- KHHGĐ để kịp trình dự thảo tại kỳ họp Quốc hội thứ 9 diễn ra giữa năm 2015.
Năm 2015, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh đặt ra nhiều chỉ tiêu quan trọng, như mức giảm tỉ lệ sinh là 0,3‰, giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 là 0,3%; tốc độ tăng tỉ số giới tính khi sinh không vượt quá 0,3; tỉ lệ sàng lọc trước sinh 10%, sàng lọc sơ sinh 25%; tổng số người mới sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 77.200 người.
Để vượt qua nhiều trở ngại, thách thức, thực hiện đạt các chỉ tiêu quan trọng đó, trước hết, từng cấp làm công tác DS-KHHGĐ phải tích cực tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc để tuyên truyền vận động, giáo dục, thuyết phục các đối tượng liên quan. Các chính sách, quy định liên quan phải được vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn công tác để tháo gỡ khó khăn. Công tác tuyên truyền vận động phải được cải tiến theo hướng ngày càng sinh động, hấp dẫn với nhiều hình thức phong phú.
“Chúng tôi hiểu rằng, phải chạy đua với thời gian để hoàn thành mục tiêu của Chương trình đã đề ra. Tuy nhiên, DS-KHHGĐ là công tác xã hội, không thể chỉ phụ thuộc vào mỗi nỗ lực của ngành Y tế - Dân số mà phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận hỗ trợ từ các ban, ngành, đoàn thể xã hội thì mới thành công được”, bác sĩ Quang chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG