Khi Facebook là nguồn tin
Gần đây, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng viết một dòng trạng thái (status) trên Facebook dưới hình thức một “thư ngỏ” gửi các cộng tác viên và biên tập viên báo mạng về vấn đề bản quyền nguồn tin của trang cá nhân trên Facebook.
Nguyễn Quang Dũng viết: “Facebook hiện nay là nguồn khai thác tương đối có ích cho các trang mạng, là nguồn khai thác vô tận và miễn phí của quý vị... Nhưng mong rằng khi các bạn lấy thông tin xin hãy xin phép bằng cách gửi một tin nhắn, ít ra đó là sự lịch sự tối thiểu... Vì có những người cần lên báo thường xuyên (điều đó là chính đáng) và cũng có người không phải cái gì cũng muốn lên báo (chắc cũng là chính đáng). Các bạn đã có nguồn khai thác cho công việc rồi thì hi vọng đừng tạo cảm giác cho người đọc: ai cũng thích lên báo bằng mọi chuyện. Đừng khai thác của người khác rồi lại quy chụp, đổ tội cho người dùng Facebook là đang PR và cái gì cũng muốn lên báo”.
Chưa đầy 12 tiếng sau khi dòng trạng thái này được cập nhật, có hơn 500 người đã bấm “thích” và nhiều bình luận sau đó, 20 người đã chia sẻ và nhiều người khác “chung nỗi niềm” đã dẫn lại hoặc nêu ý kiến tương tự.
1
Với sự bùng nổ của số lượng trang tin điện tử và tình trạng làng giải trí ít thành quả lao động, nhiều sự cố tai tiếng, việc những người viết cho trang tin điện tử về giải trí, hậu trường biểu diễn, đời tư nghệ sĩ cuống cuồng săn tìm thông tin bên lề từ blog, Facebook của các nghệ sĩ trở nên nóng hơn bao giờ hết. Nhiều nghệ sĩ phải than trời vì những thông tin từ Facebook của mình trở thành nguồn tin, thậm chí trở thành phần cơ bản của nội dung bài viết trên các trang mạng mà chưa hề được xin phép. Những câu nói bóng gió, đùa vui hoặc bức xúc ai đó, vấn đề gì đó cũng trở thành đầu đề cho các trang mạng, thậm chí những hình ảnh cũng được lấy và tự ý đặt thêm chú thích. Đến khi hậu quả xảy ra, có nghệ sĩ gỡ bỏ những phát ngôn đó trên trang của mình nhưng thông tin thì đã lan tràn khắp nơi.
Xung quanh việc Facebook là một nguồn tin có nhiều vấn đề bỏ ngỏ. Có thể chủ Facebook là nạn nhân hoặc những người liên quan đến nội dung được đề cập bị biến thành nạn nhân mà không thanh minh gì được. Còn nhớ, khi vụ việc liên quan đến nhạc sĩ Phương Uyên và sự cố của The Voice mùa đầu tiên lan trên mạng, từ thông tin trên Facebook của một người nổi tiếng, những trang mạng đã “hăm hở” suy đoán thủ phạm tung clip điện thoại lên mà không hề quan tâm gì đến tâm trạng của những người liên quan...
2
“Tôi không dùng Facebook nữa cho an toàn”
Một nam ca sĩ có thực lực, từng là nhà giáo chia sẻ trong bức xúc: “Nhà mở cửa đâu có nghĩa là bạn được quyền lấy đồ trong đó? Facebook là cái nhà trên mạng và thông tin là của cải trong đó. Mặc dù Facebook của tôi chỉ để chế độ riêng tư cho bạn bè thôi nhưng một số người viết báo mạng cũng trà trộn vào để lấy thông tin. Riết rồi tôi thấy mình như thành “mồi nhậu”, vậy nên tôi không xài Facebook nữa cho an toàn dù rất muốn chia sẻ thông tin của mình với bạn bè, người thân ở xa”.
Có không ít trường hợp người nổi tiếng xem Facebook là một kiểu nhật ký mở nên thoải mái trút giận, xả stress, hoặc thậm chí làm nơi để “nói qua nói lại” với những người mà họ muốn “bắn tin” đến tai nhưng không muốn đối thoại trực tiếp. Những trường hợp này đã là nguyên cớ dẫn đường cho rất nhiều bài báo “khẩu chiến” trong thời gian vừa qua, từ việc xung đột về nhận định chuyên môn giữa ca sĩ Mỹ Lệ với giám khảo Lưu Thiên Hương đến việc diễn viên Hòa Hiệp bất bình ban giám khảo cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ... Tất cả đều biến Facebook thành cái “mỏ vàng” đề tài của các trang mạng.
Cũng có trường hợp chủ Facebook cố tình đặt “bẫy truyền thông” với những người khai thác thông tin từ Facebook. Vụ “Lam Trường cưới vợ” vẫn còn được lan truyền như một ví dụ kinh điển: một phóng viên viết trên Facebook là anh được ca sĩ Lam Trường mời dự tiệc cưới với hình ảnh thiệp mời được thiết kế như thiệp cưới. Thế là các trang mạng xôn xao nháo nhào suy đoán với nhiều bài báo, rồi cuối cùng nhận ra đó chỉ là một màn PR cho nhà hàng tiệc cưới và đây là thiệp mời đến dự lễ khai trương nhà hàng này.
Không kể đến những trường hợp chủ động dùng Facebook để quảng bá cho những thông tin cá nhân của mình, một lời xin phép là những gì mà nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng mong muốn với những ai muốn khai thác thông tin từ Facebook của họ. Mong muốn ấy là hợp lý vì nơi xuất hiện những phát ngôn có mức độ ảnh hưởng khác nhau, đối tượng độc giả cũng khác nhau, nhưng có lẽ nhiều người viết đã bỏ qua vì sợ chủ nhân Facebook giật mình nghĩ lại và những người không thích xuất hiện vô tội vạ trên báo chí sẽ chối từ?
Theo TTO