Hoài Ân: Thực hư vụ người dân tố nguyên chủ tịch xã cậy quyền tranh đất
Cho rằng ông Nguyễn Văn Sửu - nguyên Chủ tịch UBND xã Ân Tường - nay là hai xã Ân Tường Ðông và Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) lợi dụng quyền thế, hợp thức hóa giấy tờ, hưởng lợi trên diện tích đất do người dân khai hoang, hơn 10 gia đình ở thôn Lộc Giang và Tân Thành (xã Ân Tường Ðông) nhiều lần gửi đơn đến ngành chức năng đề nghị kiểm tra, xử lý.
Sau khi 12 hộ dân có đơn khiếu nại đối với ông Sửu, các ngành chức năng của huyện Hoài Ân và UBND xã Ân Tường Đông đã thành lập Tổ công tác xác minh, thẩm tra, giải quyết.
Lấy đất khai hoang cấp làm dự án (?)
Chủ 12 hộ dân ở thôn Lộc Giang và Tân Thành trình bày: Năm 1983, họ cùng nhau khai hoang, vỡ hóa khoảng 4 ha đất tại khu vực Gò Trọc, ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường - nay thuộc khoảnh 1, tiểu khu 139B (thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông) để trồng mì, mít, chuối và một số loại hoa màu khác nhằm cải thiện đời sống kinh tế. Đến năm 1994, khi Nhà nước triển khai chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc, ông Nguyễn Văn Sửu - lúc đó là Chủ tịch UBND xã Ân Tường và một số cán bộ đang công tác tại xã Ân Tường làm thủ tục đề nghị UBND huyện Hoài Ân giao đất tại khu vực Gò Trọc để trồng rừng. Sau khi được UBND huyện Hoài Ân ban hành quyết định giao đất vào ngày 8.8.1994, ông Sửu và 3 người khác sử dụng toàn bộ diện tích đất người dân đã khai hoang và đang canh tác mà không hề có quyết định thu hồi, cũng như bất cứ khoản bồi thường nào.
Ông Trần Văn Ngữa - đại diện cho 12 hộ dân, kể: “Năm 1994, ông Nguyễn Văn Sửu là chủ tịch UBND xã Ân Tường. Có chức, có quyền trong tay, ông ấy cùng một số người nữa, làm thủ tục lấy không phần đất chúng tôi đã nhọc công khai hoang. Trồng rừng được một thời gian, ông Sửu và những người được giao đất sang nhượng đất rừng để tư lợi cá nhân. Nay chúng tôi tiếp tục khiếu nại mong các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho những người đã khổ công khai hoang, vỡ hóa đất tại Gò Trọc”.
Ngược lại với lời của chủ 12 hộ dân kể trên, ông Nguyễn Văn Sửu cho biết: Năm 1994, thực hiện chương trình phủ xanh đồi núi trọc, ông và một số người khác được ngành chức năng giao diện tích khoảng 25 ha (trong số đó có 4 ha do 12 hộ dân khai hoang) để trồng rừng trong thời hạn 50 năm. Thời điểm ông được giao đất, một số người dân ở thôn Lộc Giang và Tân Thành vẫn còn canh tác, trồng trọt trên đất. Năm 2001, do trồng bạch đàn không hiệu quả nên ông và các hộ được giao đất tự động chia nhau diện tích rừng đang canh tác. Phần ông được chia khoảng hơn 3 ha. Đến năm 2004, ông Sửu sang nhượng phần diện tích đất rừng cho ông Nguyễn Văn Ái - em ông Sửu, hiện đang là Phó Chủ tịch UBND xã Ân Tường Đông.
Sớm giải quyết dứt điểm
Ông Trần Hữu Lợi - Chủ tịch UBND xã Ân Tường Đông, cho rằng: Việc UBND huyện Hoài Ân giao đất cho ông Sửu để trồng rừng; ông Sửu chuyển nhượng đất cho ông Ái được thực hiện đúng pháp luật. Do các hộ dân không có giấy tờ hợp pháp nên yêu cầu đòi lại đất và hỗ trợ công khai hoang là không có cơ sở. Điều đáng ngạc nhiên là dù cho rằng các hộ dân “không có giấy tờ hợp pháp nên yêu cầu đòi lại đất và hỗ trợ công khai hoang là không có cơ sở” nhưng ông Lợi cũng đề nghị ngành chức năng của huyện Hoài Ân xem xét hỗ trợ tiền công cho bà con trong quá trình khai hoang đất (?!).
Theo nội dung tại thông báo ngày 6.2.2014 của Tổ công tác do các ngành chức năng của huyện Hoài Ân và UBND xã Ân Tường Đông thành lập, thì: Việc tranh chấp đất của 12 hộ dân với ông Sửu không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính. Do đó, Tổ công tác đã làm việc với 12 hộ dân và hướng dẫn họ khởi kiện ra TAND huyện Hoài Ân để được giải quyết.
Theo hướng dẫn đó, các hộ dân đưa vụ việc đến TAND huyện Hoài Ân nhưng vẫn không đạt kết quả. Hiện, một mặt các hộ này tiếp tục gửi đơn đến các ngành chức năng đề nghị giải quyết dứt điểm; một mặt, tìm cách ngăn cản ông Ái trồng rừng trên diện tích đất đang tranh chấp. Cuộc tranh chấp đã gây ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh, trật tự địa phương.
Ngày 15.1.2015, UBND huyện Hoài Ân ban hành Quyết định số 27/QĐ-UBND không công nhận nội dung đơn khiếu nại của 12 hộ dân. Bởi diện tích đất 4 ha tại Gò Trọc đã được UBND huyện Hoài Ân giao cho ông Sửu để sản xuất lâm nghiệp; ông đã sử dụng ổn định, đúng mục đích tại thời điểm được giao đất (năm 1994) không có người dân nào phản đối.
Không đồng tình với quyết định này, ông Trương Văn Hùng - trú thôn Tân Thành, 1 trong số 12 hộ khiếu nại, cho rằng: “Năm 1994, ông Sửu lợi dụng chức quyền nên mới có thể lấy không diện tích đất mà bà con đã khổ công khai hoang, vỡ đất, trồng trọt nhưng chẳng được quyền lợi gì, nên các hộ đang tiếp tục khiếu nại. Vả lại, Nhà nước giao đất để ông Sửu trồng rừng, nhưng ông đem chuyển nhượng cho người khác thì liệu có sử dụng đúng mục đích hay không?”.
Thiết nghĩ, các ngành chức năng có liên quan của tỉnh sớm xem xét, giải quyết dứt điểm vụ việc hoặc tư vấn để các bên tranh chấp hợp tác, tự thương lượng hòa giải tránh khiếu nại, tranh chấp kéo dài, nảy sinh những hành động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự tại địa phương.
V.LỰC