Chuyện buôn bán hoa tết
Góp phần đem hương sắc mùa xuân đến với mọi nhà trong những ngày Tết cổ truyền, ngoài công lao của người trồng hoa, còn có những thương lái, người buôn bán hoa. Tuy công việc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng cũng lắm công phu với cả niềm vui và nỗi buồn.
Tìm hiểu tại những vùng trồng hoa nổi tiếng ở thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước, TP Quy Nhơn mới biết, lực lượng buôn bán hoa tại thị trường hoa tết rất đa dạng, có thể tạm phân ra thành 4 nhóm chính: Thương lái ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến mua mai, cúc Bình Định đem về bán. Những người trong tỉnh đi mua hoa tại các làng nghề trồng hoa về bán tại địa phương mình. Những người trồng hoa rồi tự đem bán ở các chợ hoa xuân trong tỉnh và một bộ phận đưa hoa bán ở các chợ hoa ngoại tỉnh.
Đa dạng người buôn bán
Bãi tập kết mai của các hộ trồng mai xã Nhơn An tại khu vực phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) vào những ngày đầu tháng Chạp, không khí buôn bán diễn ra khá nhộn nhịp.
Ngồi theo dõi bốc những chậu mai lên xe tải, gương mặt chủ hàng là anh Trần Văn Dũng lộ rõ niềm vui. “Tôi sống ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. 3 năm qua, đều đến mua mai Nhơn An đem vào bán ở Long Xuyên. Có năm phải ở đến cả tuần lễ đi tìm kiếm ở các vườn, thương lượng giảm giá mới mua được hàng. Mai tôi thường mua nằm ở tầm giá từ 400 ngàn đồng đến 700 ngàn đồng/chậu. Mua được mai hợp ý mình không dễ. Mua xong còn phải tìm được xe vận chuyển nữa, gặp lúc cao điểm phải chờ lâu mới thuê được xe, mà giá cả cũng chát lắm… Nhưng năm nay, công việc rất thuận lợi, ra ở 3 ngày đã mua được 160 chậu mai như ý để đem về bán ở chợ hoa xuân TP Long Xuyên”, anh Dũng chia sẻ.
Dù chiếm tỉ lệ ít, nhưng vẫn có một số hộ trồng mai ở xã Nhơn An tự mình đem mai bán tận “ngọn” ở các tỉnh, thành xa. Anh Lê Văn Vuông (33 tuổi), người trồng mai ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, tâm sự: “Nhà nhà trồng mai, tôi nghĩ mai của mình trồng phải cạnh tranh và khó tiêu thụ hết nếu chỉ bán ở địa phương. Đã 5 năm nay, Tết năm nào tôi cũng đều vượt gần ngàn cây số về miền Tây bán mai ở Cần Thơ, Vĩnh Long. Mai đem đi bán thường có giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/chậu. Khoảng tuần lễ nữa, tôi lại lên đường đem hơn 100 chậu mai đi bán ở chợ hoa xuân TP Cần Thơ. Chịu khó ăn quán, ngủ đường, nếu bán được hết sẽ lời khoảng 20 - 30 triệu đồng…”.
Cũng ở thôn Thanh Liêm, nhưng mai của gia đình ông Đặng Văn Long (57 tuổi) lại “xuất tỉnh” ngược chiều với anh Lê Văn Vuông. Từ 7 năm qua, cứ khoảng vào ngày 20 tháng Chạp, ông Long cùng con trai, vợ chồng người con gái đưa mai ra Bắc để bán. “Từ gợi ý của con rể là người Bắc, mỗi lần chúng tôi đem ra khoảng 200 chậu mai để chia ra các điểm bán ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Ngoài các thành viên trong gia đình, còn phải nhờ thêm người thân bên con rể để cùng phụ giúp bán. Vất vả lắm, có lúc chịu không nổi cái lạnh tái tê xứ Bắc, nhưng phải cố gắng bám trụ lại hàng chục ngày để bán cho hết mai. Bán xong lên xe về ngay cũng không kịp, thường là phải đón giao thừa trên đường…”, ông Long kể.
Lấy uy tín làm thương hiệu
Từ khoảng đầu tháng Chạp, những người buôn bán hoa xuân lại rậm rịch đến tận các vườn xem mặt bông tốt xấu như thế nào, chọn những chậu hoa phù hợp với nhu cầu thị trường mình bán… sau đó thỏa thuận giá cả với chủ vườn, đặt cọc trước từ 10 - 15% giá trị tổng số tiền mua hoa. Những lô hoa đã nhận tiền cọc sẽ được đánh dấu riêng. Chủ vườn tiếp tục chăm sóc, đến khoảng 20 tháng Chạp, người mua sẽ đưa đi tiêu thụ.
“Hoa đã trồng rồi thì bắt buộc phải có lô để bán, nên nhiều người phải đấu giá cao, có khi đến 8 - 10 triệu đồng lô ở vị trí đẹp. Năm 2013 tôi đấu trúng một lô với giá 2,9 triệu, đến năm 2014 phải mất hơn 6 triệu mới có một lô. Bán được chậu hoa không phải dễ. Thiệt tình là tiền thuê lô như vậy cao quá…”
Hơn 11 giờ trưa ngày 23.1, trên cánh đồng bạt ngàn hoa cúc ở khu vực Vĩnh Liêm (phường Bình Định, thị xã An Nhơn), vẫn còn nhiều người mua hoa tìm đến. Anh Nguyễn Cẩm Trà đến từ thị trấn Vĩnh Thạnh, len lỏi giữa các vườn hoa dưới ánh nắng chang chang để tìm những chậu hoa như ý. Anh Trà cho biết: “Năm nay, tôi cùng với mấy anh chị em trong gia đình hùn vốn mua khoảng 400- 500 chậu hoa cúc đem về bán ở thị trấn Vĩnh Thạnh, Đồng Phó ở huyện Tây Sơn. Sau khi đi khảo sát các làng hoa chúng tôi quyết định chọn mua hoa cúc Vĩnh Liêm. Sau khi đặt cọc rồi, thì yên tâm giao lại cho chủ vườn chăm sóc. Người trồng hoa Vĩnh Liêm có uy tín cao không chỉ ở đây mà còn với khắp đất nước. Tôi rất yên tâm, vài tuần nữa sẽ đến nhận hoa…”.
Đối với những người đã làm ăn với nhau lâu năm, mối quan hệ giữa chủ vườn - chủ mua có sự tin tưởng còn cao hơn. Ông Lê Văn Long (60 tuổi, ở Vĩnh Liêm), một người trồng cúc có thâm niên gần 40 năm, đã gầy dựng nhiều bạn hàng “ruột” nhờ lấy “uy tín làm thương hiệu”. Ông Long cho biết: “Tôi có những bạn hàng ở xa, họ chỉ đến xem mặt bông vài năm đầu. Nhờ mình giao hàng chính xác, được họ tin cậy nên về sau, bạn hàng chỉ gọi điện thoại nêu yêu cầu và thống nhất giá cả, chứ không đến coi bông trực tiếp nữa. Gút giá cả, số lượng xong, họ chuyển đủ tiền cho mình. Phần mình, đến hạn lo thuê xe chở hoa đem giao đúng số lượng, chất lượng cho bạn hàng…”.
Tìm gặp anh Nguyễn Tặng (47 tuổi), một trong những người trồng mai nhiều nhất ở xã Nhơn An, với vườn mai lên đến 5.000 chậu. Trao đổi với chúng tôi, anh Tặng không giấu được niềm vui khi cho biết anh vừa bán 500 chậu mai cho bạn hàng thân thiết ở TP Hồ Chí Minh với phương thức “giao dịch chữ tín”. Anh Tặng chia sẻ: “Tôi tâm niệm khách hàng giao dịch là “mua uy tín” của mình chứ không phải là chỉ mua mai. Theo yêu cầu của bạn hàng, tôi chụp hình mai theo yêu cầu rồi gửi qua e.mail để họ đánh giá, thấy đạt yêu cầu thì chốt giá qua điện thoại. Khi bạn hàng chuyển khoản thanh toán đủ, tôi thuê xe chở mai vào giao đúng, giao đủ cho họ”.
Nỗi niềm người bán hoa
Anh Nguyễn Ngọc Tùng (47 tuổi) là “vua cúc” ở thôn Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), năm nay trồng đến 7.000 chậu cúc pha lê ở nhiều vườn, phần lớn đều đã được bạn hàng đặt mua. Tuy nhiên, ký ức về nhiều năm “đi bán hoa” vẫn khiến anh xúc động. “Khoảng chục năm trước, hầu hết các hộ trồng hoa trong thôn thường rủ nhau đem hoa xuống bán ở TP Quy Nhơn. Ăn dầm nằm dề, phơi nắng phơi sương để chờ người đến mua hoa, rồi giá cả ăn uống ở thành phố cũng cao… nên lời cũng chẳng bao nhiêu. Khi đã trở thành chủ vườn hoa lớn, tôi luôn bán với giá vừa phải như là cách để san sẻ cùng với những người mua hoa đi bán…”, anh Tùng bộc bạch.
Hiện cũng còn khá nhiều hộ dân ở thôn Bình Lâm chỉ trồng với số lượng vài trăm chậu để tự đem đi bán chủ yếu ở Phú Tài (Quy Nhơn), Diêu Trì (Tuy Phước), thị trấn Ngô Mây… Ông Nguyễn Văn Cườm (62 tuổi) tâm sự: “Mỗi năm tôi chỉ trồng khoảng 200 chậu cúc đại đóa trước sân nhà. Do con cái ở xa, hai vợ chồng già phải tự đem đi bán ở Diêu Trì. Chịu cảnh ăn bờ ngủ bụi vài ngày, nếu bán được khi trừ chi phí trồng, tiền thuê lô bán, xe vận chuyển… thì chỉ lời hơn 5 triệu đồng, còn ngược lại thì buồn thúi ruột !”.
Theo nhiều người mua bán hoa ở chợ hoa Xuân Quy Nhơn, thì năm vừa qua tiền thuê lô quá cao đã “ăn nhiều” vào đồng lời đẫm mồ hôi của người bán hoa. Một hộ trồng hoa ở khu vực Bắc Hà Thanh, TP Quy Nhơn (đề nghị không nêu tên), cho biết: “Năm ngoái, muốn thuê lô ở chợ hoa Xuân Quy Nhơn phải đấu giá với mức khởi điểm 3,1 triệu đồng mỗi lô. Hoa đã trồng rồi thì bắt buộc phải có lô để bán, nên nhiều người phải đấu giá cao, có khi đến 8 - 10 triệu đồng lô ở vị trí đẹp. Năm 2013 tôi đấu trúng một lô với giá 2,9 triệu, đến năm 2014 phải mất hơn 6 triệu mới có một lô. Bán được chậu hoa không phải dễ. Thiệt tình là tiền thuê lô như vậy cao quá…”.
Đó là chưa kể tâm lý người mua hoa chơi Tết thường chờ đến giờ giao thừa để “mua rẻ như cho”. “Mỗi chậu hoa cúc giá từ 200 - 300 ngàn nhưng qua giao thừa chỉ còn 50.000 - 70.000 đồng. Có lúc người bán chúng tôi không muốn tạo tiền lệ xấu cho mùa bán hoa Tết năm sau, nên quyết định đập bỏ các chậu hoa chứ không bán rẻ, dù trong lòng rất xót…”, chị Nguyễn Thị Hương, một người bán hoa nhiều năm ở chợ hoa Xuân Quy Nhơn tâm sự.
HOÀI THU