KẾT QUẢ KHAI QUẬT DI TÍCH LÒ GỐM TRƯỜNG CỬU:
Nhiều phát hiện quan trọng
(BĐ) - Chiều 26.1, tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tổ chức báo cáo kết quả khai quật di tích Lò gốm Trường Cửu (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn).
Tại 2 hố khai quật rộng tổng cộng 144 m2 ở thôn Trường Cửu, các nhà khoa học đã tìm thấy 4 dấu tích nền lò nung gốm và rất nhiều loại hình sản phẩm gốm men, đồ sành, vật liệu kiến trúc... (ảnh). Đây là những dấu hiệu cho thấy Trường Cửu là trung tâm sản xuất gốm lớn, có lịch sử tồn tại trong giai đoạn thế kỷ 14 - 15. Tại lò nung số 2 tại hố 1, lần đầu tiên các nhà khoa học đã tìm thấy “cửa ra vào sản phẩm”, đây là phát hiện quan trọng và có ý nghĩa lớn trong nghiên cứu về lịch sử gốm cổ Việt Nam. Từ cuộc khai quật, cũng lần đầu tiên tại Bình Định, đã tìm thấy phế thải đồ gốm hoa nâu mang phong cách gốm Đại Việt thời Trần. Nhiều phát hiện mới khác tại Trường Cửu góp phần làm rõ mối quan hệ giữa Chămpa và Đại Việt.
Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, chủ trì đợt khai quật, từ những tư liệu và bằng chứng thu được, có thể đặt giả thuyết về sự tham gia của các thợ gốm Đại Việt. Hay nói cách khác, chủ nhân của các lò gốm, kỹ thuật sản xuất gốm ở Trường Cửu có thể là người Đại Việt, không phải là người Chăm như nhận định trước đây.
HOÀI THU