Giải quyết tố cáo tiêu cực tại Công ty Muối Bình Định:
Rắc rối trong việc giải quyết
Từ tố cáo việc “bán kho, chia nhau giữ tiền”
Năm 1976, Trạm Thực phẩm công nghệ Quy Nhơn - tiền thân của Trạm Muối cấp I Bình Định - mua ngôi nhà của bà Trần Thị Mười tại số 288 Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) với tổng diện tích hơn 433m2 để bố trí trụ sở làm việc. Tuy nhiên, sau đó, ngôi nhà này được Trạm Muối cấp I Bình Định - nay là Chi nhánh Công ty CP Muối & Thương mại miền Trung tại Bình Định (sau đây gọi là Công ty Muối Bình Định)- bố trí thành chỗ ở cho 7 hộ gia đình CBCNV; ngoài ra, 12m2 còn lại của ngôi nhà được dùng làm kho chứa chứng từ.
Quyết định của Cơ quan Cảnh sát Điều tra CA tỉnh.
Đầu năm 2011, 7 hộ gia đình (trong đó có 3 hộ đã nộp tiền hóa giá chỗ ở) lần lượt chuyển nhượng toàn bộ chỗ ở cho người khác. Đến tháng 7.2011, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Công ty Muối Bình Định, đại diện Công ty ký hợp đồng bán luôn 12m2 kho với giá 300 triệu đồng cho một công ty hoạt động trong lĩnh vực mua bán xe máy mở rộng mặt bằng kinh doanh. Toàn bộ số tiền bán kho không được nhập vào quỹ hay nộp vào tài khoản của Công ty; thay vào đó, ông Phạm Văn Sơn (Giám đốc), bà Bùi Thị Chính (kế toán) và bà Nguyễn Thị Lan (thủ quỹ) đã chia nhau chiếm giữ.
Việc làm trái nguyên tắc của ông Sơn, bà Chính, bà Lan khiến CBCNV Công ty rất bức xúc, dẫn tới khiếu kiện. Ngày 14.3.2012, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế CA tỉnh Bình Định vào cuộc, điều tra theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Trọng Thái, nguyên tài xế của Công ty Muối Bình Định.
Đến những “rắc rối” khác
Ngày 26.4.2013, ông Sơn triệu tập cuộc họp toàn thể CBCNV và người lao động trực tiếp để thông qua hướng giải quyết đối với số tiền bán kho. Tại cuộc họp, ông Sơn cho biết, số tiền chuyển nhượng kho Tiết liệu được Giám đốc, kế toán và thủ quỹ… giữ giùm(!). Sau cuộc họp, đến ngày 4.5.2013, ông Sơn, bà Lan, bà Chính chủ động nộp lại 300 triệu đồng sau gần 2 năm “giữ giùm” vào tài khoản của Công ty.
“… Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm…”, trích Điều 141 BLHS.
Liên quan việc này, tại Quyết định số 01/CSĐT (PC44), ngày 18.7.2014, Cơ quan Cảnh sát Điều tra CA tỉnh, nêu: Ông Sơn cùng với bà Chính, bà Lan tự ý bán kho lấy số tiền 300 triệu đồng là có dấu hiệu của hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, hiện gia đình bà Trần Thị Mười có đơn khiếu nại đối với ngôi nhà 288 Lê Hồng Phong (số tiền mua bán ngôi nhà vào thời điểm năm 1976 chưa thanh toán xong) nên chưa có căn cứ xác định chủ sở hữu ngôi nhà là của bà Mười hay của Công ty Muối Bình Định (tài sản Nhà nước) để xác định có dấu hiệu của tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” hay không. Việc xác định chủ sở hữu của ngôi nhà 288 Lê Hồng Phong làm căn cứ xác định dấu hiệu của tội phạm phải do Tòa Dân sự giải quyết (vì đây là tranh chấp dân sự). Do đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra CA tỉnh không khởi tố vụ án hình sự.
Trong khi đó, tại văn bản số 403/CV-TA ngày 3.11.2014, TAND tỉnh Bình Định khẳng định: Hiện TAND Bình Định chưa thụ lý theo thủ tục sơ thẩm hay phúc thẩm vụ tranh chấp dân sự nào liên quan đến ngôi nhà 288 Lê Hồng Phong. Từ đây, ông Thái thắc mắc: “Tại sao cơ quan CA nói gia đình bà Mười có đơn khiếu nại đối với ngôi nhà 288 Lê Hồng Phong, nhưng TA lại khẳng định chưa thụ lý. Tôi phải tin vào đâu? Liệu có khuất tất gì trong việc này? Để làm rõ, tôi tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả giải quyết cuối cùng”.
Có thể thấy, thắc mắc của ông Thái không phải không có cơ sở. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, xử lý dứt điểm vụ việc.
C.LUẬN