Đặc sắc Hội thi Văn hóa - Thể thao lần II ở xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh)
Ngày 27.1, tại xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) đã diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ Hội thi Văn hóa - Thể thao lần II, do UBND xã phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện tổ chức.
“Hội thi lần này là dịp tôn vinh, giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng các loại hình nghệ thuật dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số, thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng. Đồng thời, là nơi để các làng trên địa bàn xã trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về việc giữ gìn văn hóa của dân tộc Bana Kriêm” - ông Lê Công Chính, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, cho biết.
Hội thi thu hút sự tham gia của hơn 250 diễn viên, nghệ nhân, vận động viên đến từ 6 làng trong xã là: O2, O3, O5, K6, Đắk Tral và Kon Trú, tranh tài ở các nội dung: biểu diễn cồng chiêng, múa hát và thi đấu các môn thể thao bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy.
Ở phần diễn tấu cồng chiêng, mỗi đội có khoảng 10 phút để thể hiện một bài diễn tấu tự chọn (còn gọi là roih) và một bài diễn tấu bắt buộc (còn gọi là pơrơng). Anh Đinh Phin, Trưởng làng O5, cho biết: “Để chuẩn bị cho Hội thi, làng đã huy động nam, nữ tập luyện trong ba đêm. Đặc biệt, đêm trước ngày diễn ra Hội thi, đèn nhà rông của làng sáng tới tận 11 giờ đêm để bà con tập luyện. Ngoài cồng, chiêng, làng còn làm thêm nhiều đạo cụ khác như khiêng, mác... để tạo thêm nét độc đáo cho tiết mục. Đội cồng chiêng của làng năm nay gồm 12 cồng chiêng và 13 xoang. Hai tiết mục mang đến hội thi là những làn điệu thường được sử dụng trong các ngày lễ lớn của làng”.
Nhận xét về các phần thi của các làng, ông Yang Danh, Chi Hội trưởng Chi hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định, thành viên Ban Giám khảo, nói: “So với lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2012, các tiết mục cồng chiêng của các làng ở cuộc thi lần này đã được nâng cao hơn về chất lượng. Cụ thể, âm cồng chiêng đã thanh thoát, vang hơn so với trước. Các bài diễn tấu cồng chiêng ít mắc lỗi hơn. Hầu hết các làng có sự chuẩn bị chu đáo về trang phục, thể hiện rõ bản sắc truyền thống người Bana. Chẳng hạn, váy của nữ vẫn giữ nét truyền thống là có vạt lai hai bên; trang sức cườm, kiềng bạc, đồng phong phú... Đáng mừng hơn cả là các đội cồng chiêng năm nay được trẻ hóa. Các thành viên đội chiêng, xoang của các làng phần đông là thanh niên, người già chỉ chiếm số ít và giữ vai trò dìu dắt đội là chính. Các đội của các làng Đăk Tral, Kon Trú, K6 có phần biểu diễn xuất sắc hơn cả”.
Nghệ nhân Đinh Chương (làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, hội viên Chi hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định) cũng đánh giá: “Có thể phần diễn tấu của các làng có đôi chỗ còn lạc điệu, song quan trọng nhất là tinh thần ham thích, say sưa với từng bài cồng chiêng - điều mà chúng ta dễ dàng tìm thấy tại Hội thi lần này. Hội thi Văn hóa - Thể thao xã Vĩnh Kim đã tạo được phong trào trong lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Bana Kriêm”.
Tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người.
T.LỢI - N.MUỘI - N.H.PHÚC