Vở diễn mới của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Ðịnh:
“Khúc ca bi tráng”
Ðoàn Ca kịch Bài chòi vừa công diễn tổng duyệt vở kịch hát mới “Khúc ca bi tráng” (tác giả Văn Trọng Hùng, Ðoàn Thanh Tâm chuyển thể, NSND Hoài Huệ đạo diễn). Lấy bối cảnh lịch sử giai đoạn thoái trào của nhà Tây Sơn dưới thời vua Cảnh Thịnh, xoay quanh các nhân vật lịch sử ở hai chiến tuyến, “Khúc ca bi tráng” ca ngợi những tấm gương nghĩa khí mà cái chết của họ đã thành bất tử.
Trên quê hương Bình Định lưu truyền câu ca dao ngợi ca một anh hùng vốn không phải người cùng xứ sở, đó là Võ Tánh: “Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên, cảm thương ông Hậu thủ thiền ba năm”. Trong Văn tế Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, Đặng Đức Siêu cũng cảm thán: “Ngọn quang minh hun mát tấm trung can, chén tân khổ nhắp ngon mùi chính khí”.
Những câu chuyện lịch sử xúc động
Cuộc bao vây, đánh chiếm thành Quy Nhơn do hai danh tướng của nhà Tây Sơn - Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chỉ huy, dẫn đến cuộc tuẫn tiết của hai danh tướng nhà Nguyễn- Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, đã trở thành bản anh hùng ca đẹp trong “Khúc ca bi tráng”. Cũng trong giai đoạn lịch sử này, khi nhà Tây Sơn thất bại, trước sự trả thù tàn bạo của kẻ thù - Hoàng đế Gia Long, vợ chồng dũng tướng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân vẫn giữ vững khí tiết, lòng trung quân và cái chết của họ mãi mãi đi vào sử xanh.
Võ Tánh và Trần Quang Diệu đều là bậc trung thần, ai cũng giữ trọn lòng trung, lại gặp nhau ở nhân cách cao cả của bậc làm tướng: “Cả một đời vì trăm họ giang sơn, dẫu khác chúa nhưng không khác lòng yêu dân yêu nước”. Từ chỗ là đối địch với nhau, họ trở thành bạn. Những chi tiết lịch sử xúc động: Võ Tánh thực hiện kế sách dâng thành - Trần Quang Diệu đồng thuận theo thư giao ước, nhập thành không làm hại đến muôn dân, binh sĩ; Võ Tánh, Ngô Tùng Châu tuẫn tiết; Trần Quang Diệu cảm kích “anh hùng tiếc anh hùng” cho an táng Võ Tánh theo đại lễ và khắc bia thờ “song trung”; Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân hiên ngang trước cái chết… là những “khúc ca bi tráng” được tập trung khắc họa xúc động, tạo hiệu ứng cảm xúc lớn cho người xem.
Vốn dành nhiều tâm huyết với sân khấu truyền thống ở đề tài lịch sử, tác giả Văn Trọng Hùng chứng tỏ sự tinh tế của mình khi chắt lọc từ lịch sử những sự kiện, nhân vật, chi tiết đắt giá viết nên “Khúc ca bi tráng”. Người ta cũng nhận ra bản lĩnh của một ngòi bút sắc sảo, với một kịch bản sân khấu ra đời trên quê hương của phong trào Tây Sơn, chọn bối cảnh lịch sử triều đại này ở đêm trước buổi suy tàn và một phần nội dung ca ngợi những anh hùng ở bên kia chiến tuyến.
Nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn nhận định: “Vở diễn đã phản ánh diện mạo lịch sử với sự chân thật của nó, chứ không như số đông dư luận thường tôn vinh một chiều hay phủ định sạch trơn khi đánh giá về một triều đại. Hơn nữa, khi làm sân khấu đề tài liên quan đến nhà Tây Sơn hay hình tượng vua Quang Trung, người ta thường chọn những mốc son lịch sử gắn với chiến công hiển hách hơn là giai đoạn thoái trào. Về điểm này, có thể thấy tác giả kịch bản đã có sự sáng tạo dũng cảm và đáng khen”.
Thành công trong xây dựng vở diễn
Trong lần đầu tiên ra mắt, “Khúc ca bi tráng” lôi cuốn người xem và nhận được những phản hồi tích cực. Bên cạnh nội dung tư tưởng hay từ kịch bản, vở diễn còn cho thấy dấu ấn sáng tạo trong dàn dựng.
Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định sẽ tham gia Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2013 (khai mạc vào ngày 18.5 tới tại Quảng Nam) với vở diễn “Khúc ca bi tráng”.
Xuyên suốt vở diễn là một sân khấu không tắt đèn, chuyển cảnh như thường thấy mà liên tục, nối tiếp và những sự thay đổi không gian đều mang tính biểu diễn, thể hiện cao. Dòng chữ “Khúc ca bi tráng” trên hai tấm bảng đặt hai bên sân khấu gợi nhiều liên tưởng đa nghĩa, sâu xa: là bức tường thành, chứa đựng trong đó tầng tầng lớp lớp văn hóa; là tấm bia “song trung” nhắc nhớ về những bậc anh hùng; là trang lịch sử mở ra với hậu thế hôm nay…
Về âm nhạc, đáng chú ý là vở diễn sử dụng dàn đồng ca hát vọng thay vì đơn ca, song ca thường thấy trong những vở sân khấu bài chòi, tạo hiệu quả nghệ thuật cao. Khán giả sành bài chòi vô cùng xúc động khi được nghe lại 5 làn điệu dân ca nổi tiếng của cố NSƯT Hoàng Lê: áo tân khoa, chén rượu hoa, thân gái dặm trường, hương đất, tiễn đưa đã vắng bóng trên sân khấu bài chòi khá lâu.
Đạo diễn Hoài Huệ tâm sự, đây là vở diễn mà ngay từ lúc tiếp cận kịch bản, ông đã nhanh chóng tìm ra chìa khóa để khai thác, dàn dựng. Từ những câu chuyện, sự kiện có thật, bản lĩnh, nhân cách của các anh hùng hiện lên rất “Người”, nhân văn và vĩ đại. Họ làm ta cảm phục, ngưỡng vọng, muốn vươn tới cái chân, thiện, mỹ. Kịch bản hay, cốt truyện đẹp và xúc động đã tạo cho ông nhiều thăng hoa trong dàn dựng cũng như diễn xuất với vai Võ Tánh. “Vở diễn đề cao sự hướng thiện, nuôi dưỡng thiện tính trong mỗi con người. Khoảnh khắc những chiếc áo trắng toát tượng trưng cho thế giới âm phủ được các diễn viên đồng loạt cởi bỏ, để trở về với con người xã hội và động tác những bước chân đi như thoi đưa, biểu thị cho thời gian thực tại đang tiếp diễn không ngừng - ấy là thông điệp lớn nhất mà vở diễn hướng đến” - NSND Hoài Huệ chia sẻ.
SAO LY