Bok Nhiết và cây đàn hơ-nhí
Bok Nhiết có tên thật là Ðinh Văn Lợi, là người dân tộc Bana ở làng T6, xã Ðak Mang, huyện Hoài Ân. Trong chuyến công tác về địa phương để thực hiện kiểm kê văn hóa phi vật thể, chúng tôi phát hiện ra bok Nhiết có khả năng chơi được nhiều loại nhạc cụ, trong đó có đàn hơ-nhí, một nhạc cụ truyền thống của người Bana hiện còn rất ít người biết chơi.
Bok Nhiết khẳng định, tự làm và biểu diễn đàn hơ-nhí, trong làng T6 không còn ai biết. “Rộng hơn trong cả xã thì chỉ có Già Du ở làng O6 biết, tiếc là ông đã theo Giàng cách nay vài năm rồi”, bok Nhiết nói.
Hơ-nhí được làm từ cây cơ-dơ mọc trong rừng, tương tự như các loại tre, trúc, lồ ô. Để làm thân đàn, chọn một đoạn cây cơ-dơ già, thẳng, dài khoảng 0,8-1m, đường kính chừng 2cm, khoét rỗng ruột và hong nắng cho khô dần. Phía dưới chân đàn có một dây chỉ, một đầu cột chặt vào dây đàn, một đầu gắn vào một miếng sừng hoặc nhựa nhỏ. Cần kéo của đàn là một thanh cơ-dơ mỏng. Kết cấu đàn khá đơn giản: trên thân đàn về phần ngọn có làm một trục để căng dây đàn, giữa thân đàn tạo 5 điểm “dú” nằm trên một đường thẳng, có khoảng cách bằng nhau. Đàn này chỉ có một dây bằng kẽm kéo căng qua 2 đầu cần đàn và nằm trên 5 điểm “dú”. Người khéo tay còn có thể chạm khắc hoa văn trên thân đàn cho đẹp.
Theo bok Nhiết, hơ-nhí dễ làm nhưng khó chơi, chỉ có thể chơi đàn ở tư thế ngồi, 2 chân giữ chân đàn, một tay cầm cần kéo đặt trên dây dàn kéo qua lại như đàn cò dưới xuôi, tay kia giữ thân đàn và dùng ngón tay bấm, nhả dây đàn theo âm điệu. Đặc biệt sợi dây chỉ, được người chơi ngậm trong miệng, bản nhạc hay hay dở, phát ra âm sắc trong trẻo hay khàn đục phụ thuộc vào sự tác động của lưỡi, khoang miệng và âm hơi trong cổ của người chơi đàn tác động vào dây chỉ truyền qua dây đàn tạo nên âm của đàn. Có lẽ vì kỹ thuật chơi đàn hơ-nhí khá phức tạp mà người trẻ trong làng “lắc đầu chào thua”.
Bok Nhiết biết chơi đàn hơ-nhí từ lúc nhỏ. Kỷ niệm khiến ông nhớ mãi là trong thời gian tham gia bộ đội (từ năm 1968 đến 1975), ông thường kéo hơ-nhí cho đồng đội nghe, được yêu mến và tán thưởng. Trở về cuộc sống đời thường, đàn vẫn theo bok trong những cuộc hội vui của làng, của xã.
Gần đây, cây đàn hơ-nhí đi theo bok Nhiết biểu diễn tại một số chương trình văn nghệ của huyện Hoài Ân. Nhiều người ngạc nhiên, thích thú trước một cây đàn lạ, sau tiết mục biểu diễn lại đến gặp bok Nhiết tìm hiểu về cách chơi. “Mình lên sân khấu biểu diễn hơ-nhí là để làm mẫu cho tụi trẻ biết, giới thiệu về cây đàn này trước đông đảo mọi người. Tuy khó học nhưng hơ-nhí có cái hay riêng, tin rằng sẽ có người thích nhạc cụ này và muốn học làm, học cách chơi để tiếng đàn hơ-nhí không bị mất”, bok Nhiết bảo.
VÕ CHÍ HÀ