Trưng bày nội thất Nhà lưu niệm thuộc Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc:
Khắc sâu dấu ấn Cha và Con ở Bình Định
Mới đây, Đề cương trưng bày nội thất Nhà lưu niệm thuộc Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt, triển khai thi công trưng bày. Trong tổng thể nội dung trưng bày, hai chủ đề về Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành - Bác Hồ với Bình Định chiếm 60%.
Theo ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh (một trong những thành viên được tỉnh phân công xây dựng nội dung trưng bày Nhà lưu niệm), tất cả những sự kiện về người cha - cụ Nguyễn Sinh Sắc và người con trai ưu tú yêu nước - Nguyễn Tất Thành ở Bình Định - được xâu chuỗi thành hệ thống theo từng mảng chủ đề, đảm bảo tính chân thực khoa học trong quá trình thể hiện trưng bày.
Lễ khởi công Công trình Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê.
Theo Đề cương, nội dung trưng bày nội thất Nhà lưu niệm thuộc Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê sẽ thể hiện trên hai chủ đề chính. Chủ đề 1: “Nguyễn Sinh Sắc, thân thế cuộc đời và sự nghiệp” (70%) gồm 3 chủ đề nhỏ là “Nguyễn Sinh Sắc, quê hương và gia đình” (10%), “Nguyễn Sinh Sắc, cuộc đời và sự nghiệp” (30%), “Nguyễn Sinh Sắc với Bình Định” (30%). Chủ đề 2: “Nguyễn Tất Thành với Bình Định” (30%), bao gồm 2 chủ đề nhỏ - “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” (15%), “Bác Hồ với Bình Định - Nhân dân Bình Định với Bác Hồ” (15%).
Cụ thể, thuộc chủ đề 1, chủ đề “Nguyễn Sinh Sắc, quê hương và gia đình” trưng bày thể hiện các nội dung: quê hương; cha mẹ mất sớm, cậu bé Nguyễn Sinh Sắc về ở với anh trai cùng cha khác mẹ; về Nguyễn Sinh Sắc- một trẻ nghèo ham học; Nguyễn Sinh Sắc và gia đình. Ở chủ đề “Nguyễn Sinh Sắc, cuộc đời và sự nghiệp”, trưng bày các nội dung: trên đường vào Huế; Nguyễn Sinh Sắc vừa dạy vừa học; đỗ Phó bảng, Nguyễn Sinh Sắc cùng các con vinh quy bái tổ về làng; chốn quan trường.
Chủ đề “Nguyễn Sinh Sắc với Bình Định” cũng chính là mảng trưng bày quan trọng, khắc họa, làm “tái hiện” sự việc Nguyễn Sinh Sắc đã ở Bình Định trong một giai đoạn lịch sử. Hiện vật trưng bày ở chủ đề này rất phong phú, có thể kể đến: các tài liệu, văn bản (phục chế) của triều Nguyễn về việc bổ nhiệm, cách chức cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong quá trình làm quan (1906- 1910); tổ hợp mỹ thuật (tranh, tượng…) tái hiện công đường Huyện đường Bình Khê nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc làm Tri huyện (từ 1.7.1909 - 17.1.1910); sơ đồ những nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đến trong thời gian làm quan tại Đồng Phó, Tây Sơn, Bình Định; tranh phóng tác ảnh cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng nhân dân Đồng Phó trò chuyện thân mật, hướng dẫn và giúp dân chữa bệnh, bốc thuốc; tranh phóng tác thành Bình Định, nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc tham gia chấm thi hương Bình Định; tranh phóng tác cảnh chia tay giữa cụ Nguyễn Sinh Sắc với con trai Nguyễn Tất Thành để về Kinh thành Huế theo lệnh của triều đình…
Theo tài liệu Hội thảo khoa học “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” (năm 2009), thời gian Nguyễn Tất Thành ở Bình Định kéo dài trong khoảng 1 năm 3 tháng (từ khoảng trung tuần tháng 5.1909 đến tháng 8.1910) bắt đầu từ việc theo cha và anh trai (Nguyễn Tất Đạt) vào đây để cha chấm thi Hương tại Trường thi Bình Định. Con trai Nguyễn Tất Đạt theo hầu tráp cha tại Trường thi, con trai Nguyễn Tất Thành được cha gửi vào nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ, lúc ấy đang dạy lớp cao đẳng tại trường Tiểu học Pháp Việt ở Quy Nhơn, để học thêm tiếng Pháp. Ngày 1.7.1909, Nguyễn Sinh Sắc lên Bình Khê nhậm chức Tri huyện. Và từ đó, Nguyễn Tất Thành lên xuống Huyện đường Bình Khê thăm cha.
Dựa vào các tư liệu lịch sử này, chủ đề 2 - “Nguyễn Tất Thành với Bình Định” sẽ trưng bày: ảnh địa điểm những nơi lưu dấu chân Nguyễn Tất Thành (thành Bình Định, Dịch xá, Trường thi Bình Định, trường Pháp - Việt Quy Nhơn, nhà ông Phạm Ngọc Thọ, nhà từ đường Đào Tấn ở Vinh Thạnh, Phước Lộc, Tuy Phước; những ảnh này đều nằm trong chủ đề nhỏ “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định”).
Nhà lưu niệm (thuộc Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê) chứa đựng nhiều tư liệu, hiện vật phản ánh sâu sắc tình cảm giữa Bác Hồ và cha với Bình Định.
- Trong ảnh: Những đồ dùng cá nhân của Bác Hồ (bộ quần áo kaki, đôi dép cao su, gậy, nón cối) - hiện vật phục chế theo nguyên mẫu từ Bảo tàng Hồ Chí Minh đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Chủ đề trưng bày “Bác Hồ với nhân dân Bình Định- Nhân dân Bình Định với Bác Hồ” bao gồm nhiều tư liệu, hiện vật (sưu tầm, phục chế) phản ánh sâu sắc tình cảm hai chiều khắng khít giữa lãnh tụ với nhân dân, nhân dân với lãnh tụ. Có thể điểm qua những hiện vật tiêu biểu, “biết nói” ở nội dung này: trang phục dân tộc Bana - Bác Hồ tặng cho Đoàn Văn công Liên khu V năm 1954; chiếc áo choàng - Bác Hồ tặng cho đồng chí Huỳnh Đăng Thơ (quê ở Nhơn Mỹ - An Nhơn) cùng quyển sổ tay của đồng chí Thơ, ghi lại những việc làm, tình cảm đối với Bác khi phục vụ bên Bác; huy hiệu và ảnh Bác - Bộ Giáo dục tặng cho đồng chí Giã Như Lang (quê ở Bình Định), một trong những “Chiến sĩ diệt giặc dốt”; ảnh nhân dân xã Hoài Châu, Hoài Nhơn tổ chức “Triển lãm ảnh Bác” nhân kỷ niệm 75 năm sinh nhật Bác (19.5.1890-19.5.1965); chiếc Băng tang của Thường vụ Tỉnh ủy để tang Bác năm 1969; 2 bài vị thờ Bác của cụ Võ Thị Đời ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn; ảnh Đoàn cán bộ Bình Định làm lễ truy điệu Bác tại CHDC Đức…
Công trình Nhà lưu niệm thuộc Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê theo thiết kế tổng thể có diện tích khoảng 360m2, được bố cục trưng bày theo niên biểu lịch sử. Ông Đặng Hữu Thọ cho biết: “Hệ thống trưng bày chính là sự liên kết chặt chẽ giữa nội dung trưng bày (các bộ sưu tập hiện vật) với hình thức trưng bày thông qua các giải pháp mỹ thuật (cấu trúc tường đai, tủ, bục, các minh họa và tổ hợp mỹ thuật - khoa học phụ, ánh sáng…) nhằm hỗ trợ và làm tôn lên các sưu tập hiện vật”.
SAO LY