Nhà máy thu gom và xử lý rác ở Hoài Nhơn ngưng hoạt động:
Nguyên nhân do đâu?
Chỉ sau hơn ba tháng đi vào hoạt động, Nhà máy chế biến và xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty TNHH Chế biến rác thải Duy Anh (thôn Mỹ An 1, xã Hoài Thanh) ngưng hoạt động. Việc rác thải thu gom không được xử lý đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Hoài Thanh, lâu nay, chuyện làm sao để thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt không chỉ là vấn đề “hóc búa” riêng với xã Hoài Thanh mà còn là tình trạng chung của nhiều địa phương trong huyện. Do đó, việc một doanh nghiệp tư nhân đứng ra đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải như Công ty TNHH Chế biến rác thải Duy Anh là rất đáng hoan nghênh. Tính hiệu quả được minh chứng rõ hơn kể từ nhà máy đi vào hoạt động. Lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, phân loại ra xử lý, đảm bảo môi trường trong sạch. Vậy nhưng,sau khi “guồng” hoạt động đã vào nếp, bỗng dưng nhà máy ngưng hoạt động.
Trao đổi với PV Báo Bình Định về vấn đề này, ông Trần Anh Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến rác thải Duy Anh, cho biết: Nhà máy được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 10 tỉ đồng; công suất xử lý rác thải ban đầu của nhà máy là 20 - 25 tấn rác/ngày, đảm bảo việc thu gom rác thải cho 7.000 hộ dân trên địa bàn 5 xã: xã Hoài Thanh, Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Xuân và Tam Quan Nam.
Tuy nhiên, nhà máy đã đi vào hoạt động đã hơn ba tháng (từ ngày 12.9.2014) nhưng vẫn phải dùng máy nổ để phát điện. Nguồn điện máy nổ không ổn định nên quá trình vận hành gặp nhiều khó khăn. Từ đầu tháng 1.2015 đến nay, nhà máy phải tạm dừng hoạt động do máy nổ phát điện bị cháy. “Nhằm khắc phục và sớm đưa nhà máy đi vào hoạt động trở lại, chúng tôi đã mua máy nổ phát điện mới để thay thế, với giá trị 250 triệu đồng. Dự kiến, chúng tôi sẽ đưa nhà máy vào hoạt động trở lại trong tháng 1.2015. Tuy nhiên, việc nhà máy hoạt động bằng máy nổ phát điện sẽ thiếu ổn định, bởi nguồn điện khá chập chờn, không đủ mạnh. Do vậy, giải pháp bền vững nhất là đưa điện lưới về nhà máy. Song để làm điều này, khó khăn nhất vẫn là kinh phí” - ông Hùng nói.
Ông Hùng kiến nghị: “Theo tính toán, để đưa điện tới nhà máy phải xây dựng hệ thống đường dây dài hơn 1km, vốn đầu tư khoảng 1,2 tỉ đồng. Số tiền này khá lớn, công ty không thể gánh vác hết được. Chúng tôi rất mong ngành chức năng của tỉnh quan tâm hỗ trợ, để nhà máy có được nguồn điện ổn định phục vụ sản xuất”.
Trước tình hình nhà máy thu gom và xử lý rác thải đầu tiên ở tỉnh ta ngưng hoạt động, do chưa được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia, ngày 26.1, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương cho UBND huyện Hoài Nhơn lập thủ tục đầu tư xây dựng công trình cấp điện cho Nhà máy xử lý và chế biến rác thải sinh hoạt của Công ty TNHH chế biến rác thải Duy Anh. Nguồn vốn đầu tư do ngân sách tỉnh hỗ trợ thanh toán chi phí xây dựng và thiết bị cho công trình, vốn ngân sách huyện Hoài Nhơn và các nguồn vốn hợp pháp khác. Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Hoài Nhơn lập thủ tục đầu tư chuẩn bị đầu tư công trình đảm bảo theo quy định. Việc triển khai thi công xây dựng công trình được thực hiện khi công trình đã hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng và đã được bố trí vốn theo quy định hiện hành của Nhà nước.
UBND huyện Hoài Nhơn đang khẩn trương lập thủ tục đầu tư, để sớm xây dựng hệ thống lưới điện về nhà máy.
TRỌNG LỢI