Khai quật di tích Lò gốm Trường Cửu: Cung cấp nhiều tư liệu khoa học mới
Kết quả cuộc khai quật di tích Lò gốm Trường Cửu (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn) đã góp phần làm sáng rõ về lịch sử hình thành, phát triển của đồ gốm Bình Ðịnh trong giai đoạn lịch sử văn hóa Chămpa.
Cuộc khai quật khảo cổ học tại di tích Lò gốm Trường Cửu được triển khai vào cuối năm 2014 đầu năm 2015, do Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tiến hành.
Trường Cửu là trung tâm sản xuất gốm lớn
Sau khi mở 2 hố khai quật có tổng diện tích 144 m2 ở thôn Trường Cửu, các nhà khoa học đã tìm thấy 4 dấu tích nền lò nung gốm. Đặc biệt là “cửa ra vào sản phẩm” bên tường phía Nam của một lò nung. Đây là phát hiện lần đầu tiên có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu về lò nung gốm cổ Việt Nam. Bởi từ trước đến nay, giới khảo cổ học đã khai quật và phát hiện nhiều di chỉ lò nung, nhưng chưa tìm thấy dấu tích cửa ra vào sản phẩm. Do đó, chưa có cơ sở để đánh giá về kỹ thuật học sản xuất gốm.
Khai quật khu vực bên trong và ngoài lò gốm đã tìm thấy rất nhiều loại hình sản phẩm. Qua nghiên cứu ban đầu, các nhà khảo cổ đã có nhiều tư liệu mới cho việc tìm hiểu về kỹ thuật sản xuất gốm, từ đó có thể tạm kết luận rằng thợ gốm ở Trường Cửu có trình độ kỹ thuật rất cao. Những tư liệu chồng dính phát hiện trong đợt khai quật, có thể thấy rõ lò gốm Trường Cửu sản xuất đồng thời 4 dòng gốm: gốm men ngọc, gốm men trắng, gốm men nâu và gốm hoa nâu. Trong đó, phổ biến là gốm men trắng với khoảng gần chục loại hình sản phẩm như bát, đĩa, âu, bình vôi, chậu, cốc, bình, vò có quai… Trong các sản phẩm này lại có nhiều kiểu loại và nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau, cho thấy sự phong phú, đa dạng của sản phẩm gốm Trường Cửu.
PGS - TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Chủ trì đợt khai quật, nhìn nhận: “Nghiên cứu, so sánh ban đầu thì nhiều loại bình, vò của lò gốm Trường Cửu từng được sử dụng tại Hoàng cung Thăng Long vào thời Lê sơ thế kỷ 15. Kết quả khai quật tại các di tích mộ cổ Lâm Đồng hay trên một số di tích tàu đắm dưới lòng đại dương thuộc lãnh hải Việt Nam và Philippines, người ta cũng tìm thấy nhiều sản phẩm gốm tương tự như đồ gốm phát hiện khi khai quật di tích gốm Trường Cửu. Đây là những bằng chứng phản ánh Trường Cửu là một trong những trung tâm sản xuất gốm lớn, không những sản xuất nhiều loại sản phẩm phục vụ cho thị trường nội địa, mà còn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”.
Người Việt làm gốm Trường Cửu ?
Đáng lưu ý là lần đầu tiên trong các cuộc khai quật tại Bình Định, các nhà khoa học đã tìm thấy phế thải đồ gốm hoa nâu ở Lò gốm Trường Cửu. Đó là những mảnh chậu và mảnh bình hoặc thạp có kích thước lớn, xương gốm dày, men trắng xanh. Trên thân gốm trang trí hoa văn cành lá uốn lượn với kỹ thuật rất đặc biệt, đó là khắc chìm tạo đường dìm hoa văn, sau đó tô hoặc vẽ hoa văn bằng men màu nâu sắt.
“Trường Cửu là một trong những trung tâm sản xuất gốm lớn, không những sản xuất nhiều loại sản phẩm phục vụ cho thị trường nội địa, mà còn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”
PGS.TS BÙI MINH TRÍ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Chủ trì đợt khai quật
Phát hiện này rất quan trọng, bởi gốm hoa nâu là dòng gốm rất nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam, được sản xuất phổ biến vào thời Lý và thời Trần (thế kỷ 11 - 14). Gốm hoa nâu tìm thấy ở lò Trường Cửu có phong cách tương đồng, thậm chí đây là sự mô phỏng từ các loại chậu và thạp gốm hoa nâu thời Trần. Cuộc khai quật tại Trường Cửu còn tìm thấy loại ngói mũi lá và ngói mũi sen đặc trưng của ngói Đại Việt, được lợp phổ biến trên các mái cung điện trong Hoàng cung Thăng Long thời Trần. Những phát hiện trên rất mới, phản ảnh mối quan hệ, sự ảnh hưởng giữa gốm Trường Cửu với các trung tâm sản xuất gốm Đại Việt, rộng hơn là mối quan hệ giữa vương quốc Vijaya với vương quốc Đại Việt trong lịch sử.
Qua các cuộc khai quật trước đây tại khu lò gốm Gò Sành (thị xã An Nhơn), lò gốm Gò Hời (huyện Tây Sơn), các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đều cơ bản nhận định chủ nhân của các lò gốm ở Bình Định là người Chăm, nên những đồ gốm phát hiện được ở đây gọi là gốm Chăm. Nhận định này xuất phát từ các cơ sở chủ yếu: Về không gian, các trung tâm sản xuất gốm này được xây dựng trên đất của người Chăm, thuộc lãnh địa của vương quốc Vijaya. Về thời gian, lịch sử tồn tại của các trung tâm sản xuất gốm này cùng thời với vương triều Vijaya (từ thế kỷ 13 - 15). Về loại hình sản phẩm, tại các trung tâm sản xuất gốm đã tìm thấy những loại vật liệu kiến trúc mang đặc trưng phong cách Chăm, đặc biệt còn có một số đồ gốm có khắc cả chữ Chăm cổ.
PGS.TS Bùi Minh Trí đưa ra giả thuyết: “Từ những tư liệu khoa học đã có và những bằng chứng thu được tại cuộc khai quật Trường Cửu, chúng tôi nghĩ rằng trong lịch sử hình thành và phát triển của gốm Trường Cửu có thể có sự tham gia của các thợ gốm Đại Việt. Hay nói cách khác, chủ nhân của các lò gốm này có thể là người Đại Việt, sử dụng kỹ thuật sản xuất gốm của Đại Việt. Những thợ gốm Đại Việt có thể đến Trường Cửu sinh sống vào khoảng thời Trần, họ lập nghiệp và tạo dựng những xưởng sản xuất gốm phục vụ cho vương triều Chăm. Tuy nhiên, đây mới là giả thuyết ban đầu, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu để làm sáng rõ hơn…”.
HOÀI THU