An toàn giao thông: Quyết liệt ngăn ngừa tai nạn
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề. Ðể khắc phục, ngày 26.1.2015, CA tỉnh đã có công văn chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để ngăn ngừa TNGT vì tình hình đang có chiều hướng phức tạp, dù cao điểm Tết còn chưa đến.
Tai nạn liên tiếp
Theo thống kê, chỉ trong vòng 9 ngày (18 - 27.1.2015), địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ TNGT, làm chết 7 người. Con số này có thể còn tăng vì trong 11 người bị thương, có người bị rất nặng.
Mới đây nhất, lúc 8 giờ 35 phút ngày 27.1, tại giao lộ Tây Sơn - Bế Văn Đàn (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), ông Đặng Đề (SN 1931, trú tổ 21, KV4, phường Ghềnh Ráng) đi bộ băng qua đường Tây Sơn thì bị quẹt vào cánh cửa bên phải của chiếc xe buýt 77 B-00236 do tài xế Nguyễn Văn Linh (SN 1978, trú ở xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) điều khiển. 2 tiếng đồng hồ sau đó, ông Đề qua đời tại bệnh viện.
Riêng trong ngày 22.1 đã xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết 2 người, bị thương nặng 1 người. Một vụ xảy ra lúc 8 giờ 15 phút, tại km14+800 trên tỉnh lộ 630 thuộc địa phận thôn Hà Tây, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân giữa xe mô tô do Nguyễn Công Giỏi (SN 1990, ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân) điều khiển với xe máy do ông Nguyễn Phước Toàn (SN 1945, ở xã Ân Tường Tây) điều khiển. Hậu quả, ông Toàn chết tại chỗ, anh Giỏi bị thương nặng. Vụ còn lại xảy ra trước đó, lúc 1 giờ 35 phút. Anh Trương Đình Trường (SN 1960, trú xã Cát Thành, huyện Phù Cát) điều khiển xe máy đi qua đường ray tại đoạn giao nhau giữa đường sắt Bắc - Nam với đường Lê Hoàn, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát và bị đoàn tàu SBN2T1 đâm vào, chết ngay tại chỗ.
11 vụ TNGT trên phần lớn xảy ra ở các tuyến đường nông thôn. Trong đó, có 1 vụ xảy ra ở tận làng K2, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh vào lúc 22 giờ, ngày 21.1. Nạn nhân là ông Đinh Cháp (SN 1961) đang đi bộ thì bị xe mô tô tông vào, chết tại trung tâm y tế. Riêng địa bàn huyện Hoài Nhơn liên tiếp xảy ra 4 vụ va chạm giao thông, làm bị thương 7 người.
Tăng cường tuyên truyền xử lý
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này và công tác tuyên truyền về ATGT ở nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa vẫn chưa được triển khai thực hiện đồng bộ.
Với đặc thù công việc và điều kiện kinh tế ở vùng nông thôn, người dân thường sử dụng xe độ chế, xe mô tô, xe gắn máy cũ, xe công nông để chuyên chở nông sản, vật tư nông nghiệp. Do chỉ chú ý đến hiệu quả, năng suất lao động nên nhiều người quên đi các quy định về ATGT và hậu quả của những hành vi vi phạm pháp luật đó.
Điển hình, ông Nguyễn Văn Thêm (SN 1964, ở thôn Vạn Ninh, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ) dùng cộ trâu để vận chuyển nông sản trên đường bê tông. Không may, do một tác động của ngoại cảnh, con trâu tung chạy, ông Thêm không kịp xử lý nên bị ngã và bánh cộ đã cán qua phần cổ làm ông bị thương rất nặng, tê liệt toàn thân. Một trường hợp khác là ông Nguyễn Văn A (SN 1963, ở xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ) điều khiển xe độ chế đầu dọc, không may điểm nối giữa máy và rơ mooc bị gãy nên rơ mooc lao tới cán qua người làm ông A chết ngay tại chỗ.
Mặt khác, tình trạng sử dụng rượu, bia rồi lái xe ở vùng nông thôn khá phổ biến nhưng chưa được các cơ quan chức năng tuyên truyền xử lý kiên quyết. Ngày 23.1 vừa qua, anh Nguyễn Xuân Phụ (SN 1987, ở xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ) sau khi tham gia đắp đập cùng bà con thì cùng bạn bè tổ chức uống rượu, bia. Xong cuộc ở đó, anh Phụ tiếp tục rủ bạn đến xã Cát Minh, huyện Phù Cát uống rượu tiếp. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, anh Phụ điều khiển xe mô tô về nhà, vì quá say rượu nên đã lao cả người và xe xuống mương nước bên đường và chết tại chỗ.
Hậu quả đó chính là do hành vi không chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông gây ra, nhưng nhiều người vẫn lý giải là do “số mạng”.
Vì vậy, để ngăn ngừa tình hình TNGT đang có chiều hướng phức tạp, CA tỉnh đã chỉ đạo CSGT toàn tỉnh tăng cường lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, kết hợp sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật như camera, máy đo nồng độ cồn… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia… Ở vùng nông thôn, lực lượng chức năng CA các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, nhất là các tuyến giao thông liên xã, bê tông nông thôn, chú ý các vi phạm về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ…; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành của mọi người khi tham gia giao thông.
HỒNG NGỌC - THANH NGHỊ