Khắc phục được tình trạng án dân sự bị hủy, sửa do lỗi của kiểm sát viên: Nỗ lực của ngành kiểm sát
Nếu như năm 2013, án dân sự bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của kiểm sát viên (KSV) chiếm 43,7% tổng số vụ bị hủy án, sửa án (28/64 vụ), thì đến năm 2014, tỉ lệ này chỉ còn 20,7% (11/53 vụ), giảm 22,9%. Đây là nỗ lực lớn của ngành kiểm sát.
Đây là kết quả của việc ngành kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh đã chọn vấn đề “khắc phục án hủy về dân sự có lỗi của KSV” để đột phá giải quyết trong năm 2014. Ông Phạm Trung Thuận, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh, cho biết: “Mục đích của việc khắc phục tình trạng án dân sự bị hủy để giải quyết lại là nhằm bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật”.
Lỗi thường gặp ở những vụ án bị hủy sửa là do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thu thập chứng cứ không đầy đủ; hoặc phát sinh tình tiết mới tại phiên tòa phúc thẩm do các đương sự đưa ra những yêu cầu mới, nên cần phải hủy để giải quyết trong cùng một vụ án.
Để khắc phục những tồn tại do lỗi chủ quan của KSV, trong năm 2014, lãnh đạo viện kiểm sát 2 cấp đã tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, chú trọng phân công cán bộ, KSV có năng lực giải quyết án dân sự; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn kịp thời những thiếu sót của cán bộ, KSV. Các cán bộ, KSV giải quyết án dân sự đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp với tòa án cùng cấp khắc phục những thiếu sót trong việc lập hồ sơ; khi phát hiện các vi phạm của tòa án đã ban hành kháng nghị, kiến nghị bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức đúng pháp luật.
Tuy nhiên, theo ông Thuận, về lâu dài, để hạn chế việc hủy án giải quyết lại, ngoài việc nâng cao trách nhiệm, chất lượng giải quyết án của KSV, cần phải sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự, nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập và thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp. Chẳng hạn như, để nâng cao trách nhiệm của đương sự trong việc cung cấp chứng cứ và đưa ra yêu cầu, cần quy định về thời hạn đương sự cung cấp chứng cứ, đưa ra yêu cầu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm.
Ngoài ra, Điều 277 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện nay quy định cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để giải quyết lại trong trường hợp “việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được” hoặc “có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng”. Nhưng, thực tiễn cho thấy, việc đánh giá chứng cứ của các tòa án hiện không thống nhất, nếu tòa án tỉnh cho rằng tòa cấp huyện chưa thu thập đầy đủ chứng cứ thì có thể thu thập bổ sung chứng cứ mà không cần thiết hủy án để giải quyết lại.
Hơn nữa, hiện nay liên ngành cấp Trung ương cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về mức độ vi phạm thủ tục tố tụng phải hủy án để giải quyết lại, dẫn đến việc nhận thức và áp dụng quy định này cũng chưa thống nhất. Cho nên, về lâu dài cũng cần phải sửa đổi bổ sung Điều 277 hoặc có thông tư liên ngành giữa Viện KSND tối cao và TAND tối cao về việc này nhằm hạn chế việc hủy án sơ thẩm để giải quyết lại, khắc phục tình trạng giải quyết án kéo dài vì lý do trên.
THÁI VĂN MỪNG
Bài viết rất hay. Nên chăng Pháp luật cần quy định tối đa số lần Tòa phúc thẩm hủy án dân sự. Nếu không Tòa Phúc thẩm cứ vô tư hủy án sơ thẩm kéo dài vụ án làm khổ dân. Tôi cũng đang là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất vụ án quá đơn giản nhưng kéo dài đã 3 năm với 2 lần sơ thẩm, 2 lần phúc thẩm hủy án với lý do tòa sơ thẩm Thăng Bình chưa triệu tập đầy đủ những người mà Tòa phúc thẩm Quảng Nam cho rằng có nghĩa vụ quyền lợi liên quan. Tại sao tòa phúc thẩm không triệu tập để xử tiếp mà hủy án kéo dài? Khó hiểu quá, không biết đi tìm công lý ở đâu đây? Hiện nay Tòa Phúc thẩm vẫn chưa chuyển hồ sơ cho tòa sơ thẩm xử lại vòng 3 nữa. Không biết chạy mấy vòng thì tới đích? Nếu bắt chạy lòng vòng mãi thì kêu ai? Quý vị nào biết xin vui lòng chỉ giúp nhé!