Làng K3 bảo nhau giữ rừng
Những năm qua, đồng bào Bana làng K3 thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, đã làm tốt công tác chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng (QLBVR). Nhờ đó, những cánh rừng phòng hộ nơi đây ngày càng thêm xanh.
“Rừng còn, làng còn”
Bao đời nay, không gian cư trú và đời sống tinh thần của người Bana gắn liền với rừng nên người dân làng K3 vẫn xem bảo vệ rừng như bảo vệ cuộc sống của họ. Câu nói đầy tự hào: “Rừng còn, làng còn” của đồng bào nơi đây đã ngấm sâu vào ý thức mỗi thế hệ.
Làng K3 có 117 hộ với 384 nhân khẩu, trong đó có 76 hộ đồng bào Bana. Thời gian qua, để công tác QLBVR tại địa phương ngày càng tốt hơn, ngành Nông nghiệp tỉnh đã giao khoán QLBVR cho dân làng, với diện tích gần 532 ha, mức hỗ trợ là 300 ngàn đồng/ha, mỗi nhân khẩu được nhận khoán 2,7 ha rừng để quản lý bảo vệ. Ngoài việc nhận hỗ trợ tiền QLBVR, người dân còn có các quyền lợi khác như: khai thác các sản phẩm phụ, trồng thêm các loài cây trồng có giá trị kinh tế dưới tán rừng…
Theo ông Đinh Giới, Trưởng thôn K3, diện tích rừng ở đây được quản lý, bảo vệ khá tốt là nhờ chính sách giao khoán QLBVR cho người dân. Đáng mừng nhất, tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy nay đã giảm đáng kể. Nhờ đó, hàng năm, ngoài số tiền Nhà nước hỗ trợ cho công tác QLBVR, người dân có thêm thu nhập từ việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi nên số hộ trong diện đói nghèo tại địa phương cũng giảm thấy rõ. “Hiện nay, các gia đình trong làng đã cùng nhau thành lập các nhóm bảo vệ rừng với 10-15 hộ tham gia. Nhiệm vụ của nhóm là luân phiên tổ chức tuần tra, canh gác để giữ rừng. Không chỉ đoàn kết bảo vệ rừng được giao, dân làng còn cải tạo đất sản xuất trên những nương rẫy cũ để đưa vào trồng các loại cây lương thực ngắn ngày hoặc trồng các loại cây lâm nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế, thêm thu nhập” - ông Giới phấn khởi cho thêm biết.
Điểm nổi bật nữa, trong công tác giữ rừng ở K3 là công tác tuyên truyền luôn được đẩy mạnh. Cán bộ phụ trách địa bàn luôn bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để phản ánh kịp thời. Do vậy, trong năm 2014, tình trạng khai thác, chặt phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng và đốt cháy rừng ngày càng hạn chế và từng bước chấm dứt. Diện tích rừng phòng hộ được bảo vệ tốt, đã có tác động thuận lợi cho việc tích trữ nước cho các công trình thủy lợi và bảo vệ hệ sinh thái đầu nguồn cho các hồ thủy điện Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B và hồ chứa nước Định Bình.
Để rừng thêm xanh
Về K3 vào một ngày trung tuần tháng Chạp, chứng kiến màu xanh ngút ngàn của diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn ở đây mới thấy được hiệu quả của việc giao khoán QLBVR tại địa phương.
Ông Trần Trọng Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, nhận xét: “Nhờ giao khoán QLBVR mà người dân K3 ai cũng hiểu việc giữ rừng góp phần giữ nước cho các hồ thủy điện, thủy lợi ở đầu nguồn; chống lũ quét, xói mòn đất, đảm bảo điều hòa nguồn nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Vì vậy, ngoài việc tuân thủ nghiêm Luật Bảo vệ - Phát triển rừng, bà con còn xây dựng hương ước giữ rừng riêng tại địa phương như tuyệt đối không được đốt phá rừng làm rẫy, lập các tổ phòng cháy chữa cháy rừng để kịp thời dập tắt các đám cháy rừng xảy ra…”.
Ông Nguyễn Sơn Tùng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, nhìn nhận: K3 là một trong số ít địa phương làm tốt công tác chăm sóc, QLBVR. Ý thức bảo vệ rừng của người dân nơi đây rất cao. Để bảo vệ tốt hơn tài nguyên rừng, hàng năm, ngành Nông nghiệp tỉnh kịp thời giao khoán rừng và đất rừng cho các hộ gia đình ở địa phương đảm nhận; chú trọng thiết kế và chỉ đạo thi công các hạng mục trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, tu sửa, xây dựng đường băng cản lửa, chòi canh, hệ thống bảng tuyên truyền. Bên cạnh đó, qua các hoạt động lồng ghép, lực lượng Kiểm lâm và người dân làng K3 xây dựng mối quan hệ đoàn kết tốt đẹp, tạo điều kiện cho bà con sống ở vùng cao phát triển mô hình quản lý rừng cộng đồng, phát triển lâm sinh bền vững, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế từ việc nhận khoán khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.
TRỌNG LỢI