Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 44 - 2015:
Sân chơi bổ ích, phát hiện năng khiếu văn học
Đến hết ngày 10.2 (tính theo dấu bưu điện) là hạn chót nhận bài dự thi Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 44 - năm 2015 dành cho tất cả thiếu nhi, học sinh Việt Nam từ 15 tuổi trở xuống (từ lớp 5 đến lớp 10 của năm học 2014-2015). Ban tổ chức Cuộc thi này của tỉnh đang “sốt ruột” vì mới nhận khoảng hơn 600 bài, chỉ bằng 1/3 so với cùng thời điểm Cuộc thi những năm trước.
Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU là một sân chơi văn học, trí tuệ bổ ích, ý nghĩa; hơn thế, thông qua những bức thư nghị luận xã hội, còn phần nào phản ánh sự hiểu biết, mức độ quan tâm, tình cảm, thái độ, suy nghĩ đến các vấn đề xã hội của học sinh, thiếu nhi Việt Nam so với bạn bè thế giới. Để Cuộc thi (ở cấp tỉnh) năm nay thu về kết quả tốt, rất cần sự tham gia tích cực của nhà trường, học sinh trong tỉnh.
Trần Thị Mỹ Triều (và mẹ), học sinh Trường THCS Ngô Mây – Quy Nhơn đoạt giải Nhì cấp tỉnh và Khuyến khích cấp quốc gia Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 - năm 2014. Hiện em đang học lớp 10 chuyên Văn - Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.
Đề tài hay
Đề tài Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 44 - năm 2015 (sau đây gọi tắt là UPU lần thứ 44 - 2015) là “Hãy viết một bức thư nói về thế giới bạn muốn lớn lên trong đó” (Tell us about the world you want to grow up in”). Mỗi năm một chủ đề nóng bỏng tính thời sự, đặc điểm nổi trội mà chủ đề viết thư UPU đặt ra là nhằm hướng suy nghĩ, sự quan tâm của thiếu nhi toàn thế giới đến những vấn đề xã hội chung của toàn cầu. Đây là “đề thi” hay tính xã hội cao, vừa phù hợp với học sinh nhiều độ tuổi vừa có tính phân loại, để những học sinh có tố chất thể hiện khả năng viết văn và tầm tư duy của mình. “Nói về thế giới mình muốn lớn lên trong đó, đối tượng nhỏ tuổi nhất tham gia Cuộc thi là học sinh lớp 5 cũng có thể cơ bản đáp ứng được bằng chính suy nghĩ, mơ ước, những nét vẽ, phác thảo về thế giới của lứa tuổi các em. Tuy vậy, để nói hay, sắc sảo về đề tài này không dễ, từ đề tài lớn này, mỗi học sinh phải biết chọn nội dung, điểm rơi riêng để khai thác…”, thầy giáo Trần Hữu Toàn, Tổ trưởng Tổ Văn, trường THCS Tăng Bạt Hổ, Hoài Ân - ngôi trường có “truyền thống” đoạt giải cao UPU cấp tỉnh, chia sẻ.
Phát biểu tại lễ phát động Cuộc thi này trong tỉnh (vào ngày 5.1 tại trường THCS Lê Hồng Phong, Quy Nhơn), ông Nguyễn Thanh Mừng - Phó Giám đốc Sở TT&TT (đơn vị chủ công tổ chức UPU cấp tỉnh, kể từ năm 2010) nhận xét: “Thế giới đang ngày càng phát triển với những thành tựu công nghệ mới không ngừng ra đời, hỗ trợ cho cuộc sống của chúng ta, kéo con người từ mọi miền của hành tinh này đến gần nhau hơn. Nhưng ngược lại, điều không mong muốn là thế giới cũng ngày càng trở nên hỗn loạn hơn, phức tạp hơn và có nhiều mối nguy hiểm hơn. Chiến tranh, bạo lực, bệnh tật… khiến cuộc sống của con người trở nên mong manh và trách nhiệm của các quốc gia ngày càng nặng nề hơn. Vì vậy, sẽ thật đáng quý khi các em không chỉ biết đến hạnh phúc của riêng mình, ước mơ cho tương lai tươi đẹp của các em mà còn dành ước mơ cho những người xung quanh, cho hàng tỉ trẻ em đủ mọi dân tộc, màu da trên thế giới…”.
Nhà trường, học sinh đóng vai trò quan trọng
Tại Việt Nam, Cuộc thi viết thư quốc tế UPU hàng năm là hoạt động liên ngành do Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng công ty Bưu điện và Báo Thiếu niên Tiền phong phối hợp tổ chức. Trong tỉnh, Cuộc thi do Sở TT&TT phối hợp với 5 đơn vị: Sở GD&ĐT, Tỉnh Đoàn, Báo Bình Định, Đài PT&TH Bình Định, Bưu điện tỉnh tổ chức. Với chức năng riêng, từng đơn vị đều có trách nhiệm triển khai để Cuộc thi diễn ra, đạt kết quả tốt trên nhiều mặt: sức lan tỏa của một sân chơi văn học đến hệ thống trường học (3 cấp: Tiểu học, THCS, THPT) trên địa bàn tỉnh, số lượng học sinh tham gia và lượng bài dự thi, chất lượng nội dung những bức thư UPU của thiếu nhi Bình Định.
Bài dự thi viết tay rõ ràng, sạch sẽ trên mặt giấy khổ A4, gửi qua đường bưu điện, trên bìa thư ghi rõ: Bài dự thi UPU lần thứ 44 - năm 2015, đến địa chỉ (nơi nhận bài): Sở TT&TT Bình Định, số 460 Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn.
Bài dự thi UPU đoạt giải Nhất, Nhì, Ba cấp tỉnh sẽ được chọn tham gia cấp quốc gia. Thí sinh đoạt giải thưởng UPU cấp quốc gia sẽ được công nhận Học sinh giỏi quốc gia môn Văn và được cộng điểm khi xét chuyển cấp.
Xét về mặt chuyên môn, có thể nói ngành giáo dục là đơn vị đóng vai trò quan trọng nhất. Sự triển khai sâu rộng, có phương pháp hiệu quả trong từng nhà trường, hơn hết là nhận thức (có được qua công tác tuyên truyền) đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, lợi ích của Cuộc thi, từ đó dẫn đến thái độ, hành động tham gia tích cực của học sinh chính là “chìa khóa”. Nếu muốn thông qua cuộc thi để giúp cho các em có cuộc tập dượt tốt, phát hiện năng khiếu, Sở GD&ĐT nên chỉ đạo thật rốt ráo. Với từng trường, nên có giáo viên Văn (hoặc giáo viên môn khác nhưng có nhiệt tâm về tổ chức phát động) hướng dẫn cho các em, khơi dậy những tiềm năng trong mỗi em mà các em chưa tự mình phát hiện. Giáo viên hướng dẫn phải “cao tay”, giúp các em phát huy trí tưởng tượng của mình đến tận cùng.
Ông Nguyễn Thanh Mừng cho rằng: “Với thi UPU, học sinh Bình Định không thua kém gì với mặt bằng cả nước. Tuy nhiên, có 2 trọng tâm cần chú ý: Phát động và quan tâm diện rộng để tạo sự sôi nổi, không khí kích thích; đồng thời, nhà trường, giáo viên nên tập trung vào các em học sinh giỏi Văn, có năng khiếu đặc biệt (đầu tư trên diện điểm); những điều trên, ngoài ngành giáo dục, không ai làm nổi!”.
SAO LY