“Đi chậm lại và hạn chế uống rượu bia” !
Thực tế cho thấy, tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) luôn có nguy cơ cao vào những ngày lễ, Tết do mật độ, lưu lượng người và phương tiện gia tăng cao nên dễ xảy ra va chạm giao thông và “vấn nạn” lạm dụng rượu, bia quá mức. Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, số vụ TNGT có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia chiếm tỉ lệ khá lớn bên cạnh nguyên nhân do lái xe phóng nhanh, vượt ẩu. Tình trạng này chắc chắn sẽ còn gia tăng trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, khi nhu cầu vận chuyển người và hàng hóa tăng mạnh.
Năm 2014 là năm cả nước có nhiều chuyển biến tích cực trong việc kiềm chế TNGT. Bình Định cũng là địa phương nằm trong nhóm có chuyển biến tích cực nhất. Đây là kết quả rất đáng mừng khi TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, ngay trong tháng 1.2015 tình hình TNGT lại đang diễn biến phức tạp. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG), trong tháng 1.2015 cả nước đã xảy ra 2.171 vụ TNGT; trong đó chỉ trong bốn ngày nghỉ Tết Dương lịch 2015, cả nước đã xảy ra 209 vụ TNGT, làm chết 104 người, bị thương 135 người. Con số trên là lời cảnh báo về nguy cơ gia tăng TNGT, nhất là khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi đang đến gần.
Để kiềm chế TNGT trong thời điểm tiềm ẩn nguy cơ tăng cao, Ủy ban ATGTQG đã và đang triển khai kế hoạch kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ một cách đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc trong thời gian từ ngày 1.12.2014 đến hết ngày 28.2.2015 với 3 đợt cao điểm, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp hành chính của cơ quan chức năng, bản thân mỗi người dân cần tự nhận thức và có ý thức về việc bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của mình khi tham gia giao thông, bởi khi TNGT xảy ra, phần thiệt trước hết vẫn là cho chính mình, chưa kể có thể gây ra những hệ lụy cho những người xung quanh.
Hậu quả TNGT để lại rất nặng nề cho gia đình và xã hội. TNGT không chỉ làm gia đình mất đi người thân, mà có khi còn mất đi trụ cột, khiến kinh tế gia đình lâm vào cảnh cùng quẫn, kiệt quệ; người bị thương nặng thì mất khả năng lao động, thậm chí trở thành gánh nặng cho gia đình suốt đời. TNGT gây áp lực lên xã hội, đòi hỏi xã hội phải giải quyết hậu quả như chính sách về y tế, an sinh xã hội, mất đi nguồn lực lao động…
Tết Ất Mùi đã cận kề. Đây là thời điểm hàng triệu người khắp nơi cùng lên đường về quê ăn Tết cùng gia đình. Vì vậy, để mọi gia đình cùng được hưởng trọn vẹn niềm vui sum họp trong dịp Tết đến xuân về, mọi người cần thực hiện tốt phương châm “Đi chậm lại và hạn chế uống rượu bia” để giảm thiểu tới mức thấp nhất nguy cơ xảy ra hậu quả xấu!
HẢI ĐĂNG