Chợ tết Tàu Xộc
* Truyện ngắn của Lê Nguyên Ngữ
Mới có hơn mười giờ mà trời nắng dữ dội. Rừng lại thưa, thấp nên cứ hầm hập nóng. Nóng đến độ chim chóc gần như cũng không buồn hót nữa. Dưới bóng các gốc cây đâu độ khoảng hai mươi người. Tất cả đều đàn bà, con gái. Mỗi người là một quang gánh. Cũng tất cả đều quần đầu gối, áo mỏng trôn; luộm thuộm, cũn cỡn trong các màu đen hoặc nâu xanh. Dù quần áo của họ màu gì thì cũng có khuynh hướng ngả sang màu xỉn. Xỉn ngay đến cả cái màu đen vì tất cả được nhuộm một cách tự nhiên qua quá trình tiếp xúc lâu ngày với đất đỏ. Dưới các gốc cây bóng không đủ mát là các quang gánh, trong ấy chứa đầy đủ các mặt hàng. Chẳng có mặt hàng nào là không thiết yếu cho đời sống trong rừng và cho cả những vùng bị địch tạm chiếm. Chỉ cần nhìn loại hàng mua về trong quang thúng họ là có thể biết người đó từ ngoài vào hay trong ra.
Đó là chợ Tàu Xộc.
Đây là lần đầu tiên, Khá thay ba đi chợ Tàu Xộc. Hôm nay chợ Tàu Xộc dường như cũng khởi sắc thêm. Ngoài những thứ thường kỳ, người ta còn thấy có thêm cốm, bánh in các loại… Chả gì cũng đã vào cuối tháng Chạp rồi! Chợ nhóm tết thì đâu cũng có một số nét tương đối giống nhau cả, miễn rằng phong tục đón Xuân đừng quá khác biệt nhau. Không những vậy, dường như còn giống nhau ở cả sự cập rập, khẩn trương…
Hai mẹ con Khá ngồi dưới gốc một cây gủ. Bà Thôi- mẹ em - đang lật trái ống quần ra, lau gương mặt đầy mồ hôi của mình. Khá cũng ngồi dưới bóng cây, em cầm nón quạt khoáy hớt gió lên cho mát cả mình lẫn mẹ. Bà Thôi lại cẩn thận xếp các thứ vào cặp thúng cho con. Mỗi thứ để vào thúng bà lại nói theo, lúc thì giá cả và cách giành mua, trả treo để có được nó; khi lại dặn con cách dùng hay giữ gìn bằng điệu nói của các bà mẹ chuẩn bị những thứ cho con sắp đem đi xa. Khá vừa nghe mẹ nói vừa nhìn đến các gốc cây khác. Thấy chị Á cùng xóm Hầm nơi gốc cây đằng kia đang xếp gấp tấm ni-lông, giũ thẳng.
- Mẹ có mua vải ni-lông cho con không, mẹ?
- Có mà!
Khá chồm xuống đôi thúng mẹ lục lạo. Cuối cùng em lôi ra xấp ni-lông màu xanh lá cây. Bà Thôi ngừng ràng dây thun gói đường tán, ngó qua:
- Đó, phải màu mày dặn hông?
- Trời, đâu phải, mẹ! Con dặn mua vải ni-lông cà chớ!
Bà Thôi co tay áo quệt mồ hôi rồi để cả hai tay lên vành thúng, ngó xấp ni-lông:
- Tau đâu có biết, tưởng là ni-lông này! Ai biểu mày hông dặn kỹ. Thôi để lần khác tau mua cho. Mà mày mua vải ni-lông đó chi ha?
Khá giăng tấm ni-lông ra xem, không trả lời. Bà Thôi nhìn con như thăm dò, rồi tiếp:
- Tau nói là không được đi thoát ly đâu đó. Mấy anh mấy chị mày đi rồi chưa đủ sao?
Khá cười nhìn mẹ:
- Thoát ly mà mẹ nói thiếu đủ, làm cứ như là… mua hàng không bằng! Rồi em đánh trống lảng, tiếp: “Mà thôi, thứ này để dùng che mưa cũng được”.
Bà Thôi lại cắm cúi xuống hai cái thúng đồ:
- Ờ, để cho cha con mày tháng mưa gió có cái mà đi làm rẫy, còn ở trỏng nếu muốn võng thì bện mấu mà nằm. Và bà chợt nhớ, vội hỏi Khá: “À, còn võng? Ba mày dặn bán bao nhiêu một cái đó?”.
- Hai trăm rưỡi, mẹ ạ.
Tiếp tục để các thứ hàng vào thúng, bà Thôi cằn nhằn:
- Hoặc hai trăm, hoặc ba trăm cho tau dễ nhớ, dễ bán chớ… rưỡi, rưỡi cái gì! Cha con mầy thiệt tau nói hông nghe, công sức đâu mà đi bện mấy thứ đó. Bữa hổm thằng Tư Chúng, cảnh sát Cầu Quẹo, hỏi tau mấy thứ đó bà mua ở đâu? Rồi nó… mượn hết hai cái!
Khá nghe vậy, nhăn mặt:
- Lứa võng đó toàn loại mấu tốt. Rồi thằng ác ôn đó đưa cho má bao nhiêu tiền một cái?
- Có mà đưa! Nó mượn chớ có… mua đâu?
Khá bực dọc:
- Rồi nó trả chưa?
- Có mà trả! Chờ đó rồi nó trả cho cha con mày! Cảnh sát mà nó nói mượn là mình khắc biết rồi. Thiệt thà như cha con mày thì có ngày ăn tro mò trấu ra. Tau đã bảo là đừng làm thứ đó gửi về bán!
Rồi bà Thôi buồn bã tiếp:
- Thiệt khổ! Làm đã khó, bán cũng khó, lại còn nghi nan tùm lum ra!
Nỗi uất ức làm Khá lặng người đi, không nói với mẹ được câu nào. Mỗi chiếc võng như thế, ba Khá phải đi chặt mấu về - mà nào chỗ có mấu đâu phải gần gũi gì - chị em Khá phải người giữ cây, người lột. Mấy cha con lại còn hi hom xé, tét, se, bện… Tốn bao nhiêu công sức, đôi khi bỏ cả ăn ngủ mới làm nên được chiếc võng. Ở mỗi khâu làm như thế, trong đầu năm cha con đều nghĩ đến thành phẩm lúc đem bán và rồi sẽ mua về những thứ gì. Những thứ thiết yếu của đời sống trong rừng có thể bù lại được bao khó khăn, vất vả khi làm nên chiếc võng…
Sau khi tạm ổn đôi thúng cho con gánh về, bà Thôi lại xoay sang đôi thúng mà Khá gánh ra. Bà lần lượt soát xét lại từng thứ:
- Tau đã nói rồi, dông khô mấy cha con cứ để trỏng mà ăn. Ngoài đó tết nhứt tới nơi rồi, chẳng ma nào thèm mua cho đâu!
Bà Thôi làu bàu, cầm hai con dông khô vỗ vào nhau, bụi bay tanh nồng trong nắng trưa. Tuy nói vậy nhưng bà cũng sắp xếp lại mấy con dông bằng hai bàn tay rất là nâng niu. Khá nhìn những đuôi con dông cụt ngủn mà muốn phì cười. Tụi thằng Lực, con Mười thỉnh thoảng thèm cứ chặt đuôi đem nướng ăn hết nên trông nó mới thọn lỏn đi như thế. Khá cũng mừng vì mẹ không cằn nhằn chỗ mấy con dông đuôi bị cùi cụt này. Thật tình trông nó cũng mất vẻ mỹ quan của món hàng đi. Chợt có tiếng bà Thôi cao giọng:
- Còn đậu phộng nào mà lạ đời vầy nữa? Đậu mua hay của rẫy nhà mình mà xấu dữ vầy nề?
Bà Thôi bốc nhúm hạt đậu phộng xua đi xua lại trên lòng bàn tay. Mấy hạt đậu lép như không muốn lăn đi trong tay bà. Có hạt nhăn rúm như quả dưa non bị “chạy dây” tháng nắng.
- Đó là nửa giạ đậu con Mười mót, bòn ở rẫy ông Tư Lang, gửi nhờ mẹ bán để mua quần áo tết cho nó. Tại nó cứ phơi miết, già nắng quá nên nhăn nheo ra làm vậy!
Nghe con nói thế, bà Thôi không còn cằn nhằn đậu xấu nữa. Những hạt đậu sẫm màu lao chao trong đôi lòng tay đầy xúc động của bà. Tiếng mẹ dặn Khá nghe nghèn nghẹn, xa xôi:
- Về đừng cho em đi mót nữa. Chẳng bao nhiêu tiền lại nắng nôi, bệnh hoạn, nghe con!...
Khá quẩy gánh đứng lên.
Trời càng trưa, rừng càng hầm hập nóng. Rặng cây ô-rô kín như một bức tường dày, chận đứng tất cả các ngọn gió thổi tới. Tiếng chim ớ-bồ-trẻ đổ từng hồi một nghe hoang vắng ở cuối truông rừng, nơi thấp thoáng có người đi chợ tết ra về. Chiều xuống bao giờ cũng nhanh hơn trưa lên. Khi Khá về đến ngã ba đường Xe Bò thì trời đã tối mịt. Cũng may vừa lúc đó trăng lại lên, tuy không sáng lắm nhưng cũng trông thấy được đường rừng. Khi rảo bước, lúc chạy lúp xúp nhưng mãi Khá cũng chỉ mới đuổi kịp được tiếng quang gánh kẽo kẹt của ai đó phía trước.
Bỗng đâu đó trước mặt Khá một loạt súng nổ, mìn nổ trong những tiếng la thất thanh. Rồi thì súng nổ loạn xạ. Bây giờ không những súng nổ trước mặt Khá mà còn bên phải, bên trái… Cả bốn phía! Khá vội chạy tạt sang mé rừng như một phản xạ nào đấy không phải là của mình. Trong lúc hoảng loạn, một cành cây sau đầu gióng rị chân phải Khá xuống, không nhấc nổi lên và em sợ quá ngất đi.
Trong lúc ngất, Khá thấy mình về lại đến hầm nhà và đang giở từng món đồ mẹ gửi vào ra khỏi những chiếc thúng, trước mặt thằng Lực, con Mười, con Bé và cả ba Khá nữa. Cả bốn cha con ngồi chồm hổm, vây quanh hai cái thúng Khá vừa gánh về. Hai cái thúng cứ như là không đáy, từ đó Khá lôi ra một cái Tết no đủ với không biết cơ man nào là đồ đạc, quà bánh… Đến bộ đồ mới của con Bé, nó mừng quá vội giật lấy và chạy vụt đi. Khá sợ em mặc ngay, không để dành mồng Một tết, nên cũng vội leo lên hầm, chạy vụt theo. Hai chị em cứ rượt nhau chạy mãi, chạy mãi… đến một cái bàu nước rộng mênh mông, con Bé nhào xuống đấy, Khá vội nhào theo. Nước dưới bàu lạnh toát. Vừa sợ ướt đồ mới, vừa sợ con Bé chết đuối, Khá kêu thét lên… và tỉnh lại.
Gió thổi vù vù bay tóc rối tung vào mặt, vào mũi Khá. Tiếng phành phạch, rền rĩ của máy móc khiến Khá biết chắc chắn mình không phải đang ở hầm nhà, bên gánh đồ tết của mẹ như vừa rồi. Khá thử xoay người, một cơn đau buốt dộng lên từ chiếc đùi bị cột chặt vào băng-ca làm em hoa mắt. Hai bên mình Khá, mấy tên Mỹ to đùng ngồi giống như những con quái vật. Miệng chúng phủ đầy lông lá và nhai nhồm nhoàm, mắt láo liêng nhìn ra bên ngoài, chẳng thằng nào chú ý, ngó ngàng gì đến em cả. Xuyên qua mấy chân ghế trực thăng ngang bằng chỗ nằm của Khá, mấy cụm mây trắng xốp như bông đang trôi bồng bềnh, bồng bềnh. Người Khá nghe dập dềnh như cũng đang trôi đi. Em hoảng hốt chưa kịp hiểu đầu đuôi ra sao thì một đám mây khác chợt bay vút lên bầu trời, lật nghiêng theo mảnh trăng cuối năm. Người Khá chao nghiêng đi. Em nghe mình như bị hất ra khoảng không và mê trôi trong vô tận của trời đêm tháng Chạp.
L.N.N