Chuyện về người Bí thư Chi bộ Ðảng Cộng sản đầu tiên ở Bình Ðịnh
Ngày 3.2.1930 Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Chỉ hơn 1 tháng sau, tức là cuối tháng 3.1930, Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Bình Ðịnh được thành lập, với 5 đảng viên đầu tiên, do đồng chí Lê Xuân Trữ (tức Trứ), công nhân kỹ thuật Nhà máy đèn Quy Nhơn, quê ở Hà Tĩnh làm Bí thư.
Tìm hiểu về đồng chí Lê Xuân Trữ - Bí thư của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Bình Định năm xưa, nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng, những người trẻ tuổi chúng tôi không chỉ thấy lại những dấu ấn hào hùng của lịch sử, mà còn có dịp khám phá thêm nhiều câu chuyện về thế hệ cách mạng tiền bối, với những duyên phận kỳ lạ và huyền thoại.
Non sông ghi dấu anh hùng
Ở phòng truyền thống Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn, thuộc Điện lực Bình Định, có 1 bức tranh treo trang trọng ở tâm điểm gian phòng và luôn gây sự chú ý cho người xem. Bức tranh vẽ cuộc mít-tinh biểu dương lực lượng của quần chúng nhân dân lao động ở trước cổng Ga Quy Nhơn vào ngày 1.5.1930. Hàng trăm công nhân và nông dân, với biểu ngữ đòi dân sinh dân chủ trên tay, hô hào người lao động đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, miễn phu đài, tạp dịch, thuế má… Và đây cũng là lần đầu tiên ở Bình Định, lá cờ Đảng được công nhân Nhà máy đèn treo công khai trên cột điện gần Ga Quy Nhơn hiện nay. Sự kiện này gắn liền với chi bộ cộng sản đầu tiên ở Bình Định và người đảng viên trẻ tuổi Lê Xuân Trữ.
Đón chúng tôi vào căn phòng ngập tràn tài liệu, sách vở và thoang thoảng hương hoa hoàng lan buổi sớm ở khu Biệt thự Tây Hồ (Hà Nội), Giáo sư Lê Xuân Tùng - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, cất giọng xứ Nghệ ấm áp: “Các bạn trẻ Bình Định đến thăm gia đình tôi vào dịp chuẩn bị kỷ niệm Ngày thành lập Đảng này thật là ý nghĩa. Gia đình tôi với quê hương Bình Định có nhiều duyên phận lắm đấy!”.
Sau khi thành lập Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn, tháng 4.1930, đồng chí Lê Xuân Trữ tiếp tục được tổ chức phân công gầy dựng phong trào ở nơi khác. Từ năm 1931 đến 1933, đồng chí bị mật thám Pháp bắt giam vào nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị). Ra tù, Lê Xuân Trữ hoạt động tại Mặt trận Bình dân ở Vinh, rồi kết hôn với nữ chiến sĩ cộng sản Trần Thị Kim (Hà Tĩnh). Năm 1937, khi tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ, Lê Xuân Trữ lại bị địch bắt và kết án 10 năm tù khổ sai tại Côn Đảo, năm 1941, đồng chí hy sinh khi mới ngoài 40 tuổi.
Lê Xuân Tùng - người con trai duy nhất của hai nhà cách mạng vừa mới ra đời chưa đầy tuổi, đã sớm phải lìa xa cha mẹ, bởi cả hai đều bị Pháp bắt đi đày. Tuổi thơ của ông chịu nhiều cay cực, vì thiếu hơi ấm gia đình, phải đi làm thuê, ở mướn nuôi thân; lớn lên tiếp bước con đường cách mạng.
Mộ đồng chí Lê Xuân Trữ cải táng bên cạnh mộ đồng chí Nguyễn Hoàng, tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội).
Cuộc hội ngộ hy hữu sau hơn 60 năm
Mùa xuân 2015 này, con trai người Bí thư Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn năm xưa đã bước vào tuổi 80, ông vừa được trao tặng Huy hiệu 55 tuổi Đảng. Ông niềm nở: “Tôi rất tự hào về cha mình, người đã hoạt động cách mạng kiên cường cho đến lúc hy sinh. Ông làm rất nhiều nghề, ở nhiều nơi, nào là công nhân xe lửa ở Trường Thi; công nhân Nhà máy đèn ở Quy Nhơn; công nhân đóng tàu ở Mỹ Tho, Tiền Giang; cho đến thợ cơ khí ở Biên Hòa… tất cả vì mục đích duy nhất là để hoạt động cách mạng, truyền bá tư tưởng cách mạng...”. Nói đến đây, ánh mắt ông bỗng sáng bừng: “Tôi sẽ kể cho các bạn nghe mối duyên kỳ ngộ giữa cha tôi, gia đình tôi với quê hương Bình Định…”.
Đó là đầu năm 1989, trong lần tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vào thăm tỉnh Nghĩa Bình (cũ), tình cờ ông Tùng tìm thấy trong bộ Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình có những dòng thông tin về người cha thân yêu. Và lần đầu tiên ông biết được cha mình từng là Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của Bình Định. Khi đem tin ấy khoe với đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư cũng bất ngờ không kém: “Ôi! Thế thì cha cậu cùng ở tù Côn Đảo với mình đấy. Ông ấy cũng người tầm thước như cậu vậy. Đồng chí Trữ bị bọn cai ngục bắn gãy chân trong lúc chuyển trại tù, thấy tù nhân chết, bọn lính quăng xác xuống nước…”.
Suốt chuyến công tác ấy, ông Tùng mang một tâm trạng bồi hồi khó tả. Mừng và tự hào vì được đến thăm mảnh đất Quy Nhơn, nơi người cha anh hùng - người đồng chí từng chiến đấu, từng cống hiến cho cách mạng. Mừng, nhưng trong ông bỗng trĩu nặng nỗi buồn, như vậy là thêm một lần nữa có người xác nhận rằng cha ông - đồng chí Lê Xuân Trữ ra đi mãi mãi mà không để lại gì, dẫu chỉ là một dấu vết nơi an nghỉ cuối cùng, cho cháu con thờ vọng.
Rời Quy Nhơn, Lê Xuân Tùng nung nấu ý định đi tìm lại những ký ức về người cha thân yêu. Ông đã nhiều lần đến thăm Côn Đảo, gặp gỡ những nhân chứng, những bạn tù xưa, những nhà khoa học…Rồi như một mối duyên tình cờ, năm 1996, ông nhận được dòng tin: hài cốt nhà cách mạng Lê Xuân Trữ vẫn còn, được chôn ngay trên đảo, dưới gốc cây dương cổ thụ có 3 thân. Cả gia đình ông, bạn bè đồng chí, cùng các nhà khoa học vỡ òa xúc động khi tìm được từ lòng đất Côn Đảo di cốt gần như nguyên vẹn của đồng chí Lê Xuân Trữ, với những vật chứng đặc biệt là vết gãy ở xương ống chân, số tù được khắc vào mảnh gạch chôn theo, bản kết quả xét nghiệm AND - mẫu vật cơ thể của hai cha con hoàn toàn trùng khớp.
Những người trong cuộc kể lại, năm 1941, khi điều khiển đoàn tù nhân chuyển trại, cai ngục thấy tù nhân Lê Xuân Trữ đang bị ốm, di chuyển yếu ớt, chậm chạp quá nên giương súng bắn, ông trúng đạn, gãy chân và qua đời sau đó; cai ngục bèn sai lính ném xác xuống biển. Đến hôm sau, những người tù thường phạm tìm thấy thi thể người tù chính trị bên gành đá, bèn bí mật đem chôn cất dưới gốc dương ba ngọn, họ còn cẩn thận lấy mảnh gạch khắc số tù chôn theo. Sau hơn nửa thế kỷ, di cốt đồng chí Lê Xuân Trữ được gia đình, đồng đội tìm thấy và cải táng ở Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội).
Dẫn chúng tôi ra viếng mộ cha mình, ông Tùng kể tiếp: “Hôm đưa ông cụ về đây cải táng, có đại diện Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn cùng tham gia. Và thật kỳ lạ, họ phát hiện ngôi mộ bên tay phải ông cụ chính là mộ của đồng chí Nguyễn Hoàng, quê ở Nghệ An; là 1 trong 5 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn, người thay thế cha tôi làm bí thư chi bộ năm xưa. Đất Bình Định với gia đình tôi sâu nặng ân tình, gia đình tôi và gia đình đồng chí Nguyễn Hoàng đã chọn đá granite của Bình Định để xây dựng phần mộ cho liệt sĩ, mong người đã khuất thỏa tấm chân tình với mảnh đất nơi người đã gắn bó và làm cách mạng”.
Quả là một điều trùng hợp ngẫu nhiên; hai người đồng chí đã từng chiến đấu sinh tử bên nhau, vì nhiệm vụ mà phải chia ly và họ đều đã ghi tên mình vào sông núi, bất ngờ lại hội ngộ cùng nhau trong một không gian tâm tưởng vô cùng đặc biệt.
Chúng tôi chia tay thủ đô trong lưu luyến. Mùa đông Hà Nội heo hút gió, sương giăng trên cỏ nghĩa trang lành lạnh, trắng xóa, nhưng trong lòng chúng tôi còn mãi dư vị ấm áp của vòng ôm thân thiết của một người dường như từ lâu đã trở thành thân thích với đất Bình Định. Máu xương của các liệt sĩ đã đổ xuống, thấm đẫm và hòa tan vào non sông đất nước, vào núi đồi, xóm mạc, để cho cuộc sống đâm chồi nẩy lộc. Công ơn ấy, lớp cháu con và đời đời sông núi khắc ghi.
Năm 1950, Lê Xuân Tùng tham gia cách mạng, vào Thiếu sinh quân, sau đó được cử đi học tại Trung Quốc và Liên Xô. Từ năm 1966, ông trở thành giảng viên Trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội, rồi sau này là Phó giám đốc Trường Ðảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (ông được phong học hàm Giáo sư năm 1988). Năm 1986, Lê Xuân Tùng là Ủy viên T.Ư Ðảng dự khuyết, Trợ lý Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Sau này ông được bầu vào Bộ Chính trị, trở thành Bí thư Thành ủy Hà Nội.
PHƯƠNG LAN