Công tác phổ biến giáo dục pháp luật: Phù hợp thực tế thì hiệu quả cao
Tùy vào đặc thù của từng cơ quan, đơn vị và địa phương, mỗi nơi có những cách tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) riêng, phù hợp với đặc điểm tình hình, góp phần mang lại hiệu quả chung cho công tác PBGDPL thời gian qua trên địa bàn tỉnh.
Vốn có tỉ lệ hội viên cao, nên ngoài việc tuyên truyền thông qua hoạt động của các CLB nông dân với pháp luật, Hội nông dân các cấp trong tỉnh còn phối hợp với các đơn vị tổ chức các cuộc thi “Nông dân với biển đảo quê hương”, “Nông dân với ATGT” tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Những thông điệp dễ hiểu, dễ nhớ và gần gũi với người dân được chuyển tải qua các cuộc thi mang tính giao lưu này đã tác động mạnh đến nhận thức của người dân. Nhờ vậy, Hội nông dân cơ sở đã tham gia hạn chế các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, như giải quyết vụ khiếu kiện của nông dân ở Tây Sơn với Nhà máy đường Bình Định, vụ khiếu nại về bồi thường giải phóng mặt bằng QL1A của nhân dân các xã Hoài Đức, Hoài Tân (Hoài Nhơn); vận động 24 hộ dân tại xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước chấp hành quyết định của UBND tỉnh về đền bù giải tỏa. Ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Chúng tôi tập trung công tác trợ giúp pháp lý dựa trên yêu cầu thực tế của cán bộ, hội viên tại cơ sở, đồng thời xây dựng mạng lưới hội viên nòng cốt, tuyên truyền pháp luật theo phương thức “nông dân tuyên truyền cho nông dân”, từng bước thay đổi nhận thức và hành vi của mọi người trong việc tuân thủ pháp luật”.
Với phương châm phân tích cho người dân hiểu pháp luật không chỉ bao gồm các quy định về thực thi pháp luật mà còn là quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thời gian qua, huyện Phù Mỹ, bằng nhiều cách, đã đưa pháp luật đến từng khu dân cư hiệu quả. Bà Đoàn Thị Ngọc, Phó Phòng Tư pháp huyện Phù Mỹ, cho biết: “Chúng tôi đã và đang chú trọng đến việc khai thác có hiệu quả hình thức trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải cơ sở khi thực hiện công tác PBGDPL; thực hiện giải thích, hướng dẫn, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến từng vụ việc cụ thể, để mọi người nâng cao hiểu biết pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật”.
Những nội dung tuyên truyền PBGDPL của các địa phương, cơ quan, đơn vị như trên ngày càng sát với yêu cầu thực tiễn, từng bước làm chuyển biến nhận thức và nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu kiện, khiếu nại kéo dài. Trường THPT An Nhơn 3 (thị xã An Nhơn), Đoàn khối các cơ quan tỉnh cũng là những đơn vị làm tốt công tác này.
Tại Hội nghị triển khai công tác PBGDPL năm 2015, do UBND tỉnh vừa tổ chức, ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Sở Tư pháp, đã đưa ra một số giải pháp: “Các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của những người làm công tác PBGDPL; xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn, có biện pháp thực hiện phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn và điều kiện thực tế, nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho mọi công dân”.
KIỀU ANH