Người chuyên “phẫu thuật” cho mai
Kể từ khi chuyển từ trồng mai “thị trường” sang làm mai nghệ thuật bonsai, chuyện làm ăn của ông Nguyễn Trí Tuấn (56 tuổi, ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn) bỗng “nổi đình nổi đám” hẳn ra. Giá trị kinh tế của vườn mai tăng rõ rệt. Không những thế, ông được người chơi mai cả nước biết đến như người chuyên “phẫu thuật” cho mai ở làng mai bạc tỉ Nhơn An.
Ăn nên làm ra nhờ... hâm
Sinh ra tại thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An - vùng đất được mệnh danh là “làng mai bạc tỷ” nên ngay từ thời ông Tuấn còn là một ông chủ xe ủi, ông đã ôm ấp mộng làm mai. Sau khi giã từ nghề xe ủi, về quê, ông Tuấn thuê đất, đầu tư mạnh nghề trồng mai với 2.000 chậu. Khi còn làm mai “thị trường”, vườn mai của ông Tuấn đã nổi tiếng nhờ biết chọn giống cho nụ to, hoa đều và đặc biệt là có dáng thế đẹp. Mai của ông Tuấn được người chơi cả trong Nam ngoài Bắc ưa chuộng, năm nào vườn mai cũng cho ông khoản lãi ròng cả trăm triệu đồng.
“Ngành chức năng ở tỉnh và thị xã đang yêu cầu tui vận động các chủ nhà vườn nhân rộng mô hình làm mai nghệ thuật để thành lập HTX chuyên sản xuất mai bonsai để nâng cao giá trị kinh tế cây mai và nâng tầm thương hiệu mai xuân của làng mai Nhơn An” - ông Tuấn cho biết.
Với nhiều người, chuyện làm ăn thế đã quá ổn, nhưng với ông Tuấn vẫn chưa “đã đời”. Ông nghĩ, rồi đây người chơi mai sẽ dần chuyển qua hướng chơi mai nghệ thuật. Vậy là ông quyết định chuyển sang làm mai bonsai. Vừa làm vừa học. Khi ấy, ở làng mai Nhơn An, ông Tuấn là người tiên phong làm bonsai nên không có người đi trước để học, vậy là ông “lên mạng” tìm hiểu, học hỏi. Đến năm 2012, ông Tuấn quyết định cưa trụi 200 chậu mai trong vườn để chuyển qua thế bonsai. “Lúc đó, ai nấy trong làng mai Nhơn An đều cho là tui bị hâm, vì số mai ấy bán xô (bán gộp, không có sự phân loại, lựa chọn - P.V) cũng được 300-400 triệu đồng. Tui im ru, cứ làm, vì tin rằng khi chúng đã đứng dáng bonsai thì giá bán sẽ tăng gấp nhiều lần” - ông Tuấn bộc bạch.
Mùa mai Tết Giáp Ngọ 2014, ông Tuấn xuất bán ra thị trường 100 chậu mai dáng bonsai, thu về gần nửa tỉ đồng đã khiến các chủ vườn mai ở Nhơn An ngớ người. Thấy làm mai bonsai có ăn, ông Tuấn lại nghĩ, nếu trồng từ mai con phải nhiều năm sau mới có thể tạo dáng bonsai, lâu kiếm tiền quá. Ông liền đi lùng sục các vườn mai trong cả tỉnh, mua những cây mai kém phát triển, dáng xấu do thiếu chăm sóc với giá rẻ, mang về “phẩu thuật” đặng tạo lại dáng nghệ thuật.
Nhấp ngụm nước trà, ông Tuấn giới thiệu cây mai ông vừa mua 6 triệu đang nằm “trụi lủi” không một cành lá trên “bàn mổ”: “Cây mai này trồng đã 25 năm, từ trước đến giờ người chủ chơi dáng trực. Thế nhưng, do thiếu chăm sóc nên mấy chi dưới bị chết, cây mai mất giá trị, nên tui mới mua được với giá rẻ. Với nghệ thuật bonsai thì không cần mấy chi này, tui đang làm “đại phẩu thuật” cho nó để tạo thành dáng “long cuốn thủy”, vài năm sau là sẽ đứng giá trên 30 triệu” - ông nói.
Trước đó, ông Tuấn cũng mua được một cây mai 25 năm tuổi nhưng bộ đế đang bị chết thối với giá rẻ như cho. Mang về, ông Tuấn “mổ” sạch vết thương, lũa sâu thêm. Người chơi mai trong làng cả quyết: “Ông mà làm sống cây này tui đi đầu dưới đất”. Vậy mà nó sống thật, lại đang rất khỏe mạnh. Ông Tuấn nói vui: “Tui xem nó như một người bị thương, gọi nó là chậu mai “tàn nhưng không phế”, hiện nó đang đứng giữa thương trường với giá 30 triệu đồng”.
Trước Tết Ất Mùi năm nay, Ông Tuấn còn “gây sốc” thêm cho làng mai Nhơn An khi mua cây mai 60 năm tuổi có dáng trực lùm về “phẫu thuật” để tạo dáng bonsai. “Cây mai này tui sẽ phá trụi để tạo ra dáng “phụ tử” hoặc dáng “trực huyền”. Nhìn dáng thế cây mai bây giờ, người nhà nghề ai cũng nhận ra cái dáng nghệ thuật tiềm ẩn nhưng chẳng mấy ai dám mua về phá sạch để tạo dáng khác như tui. Nhưng phải có gan mới kiếm được tiền. Khi nó đã có dáng bonsai thì giá của nó phải tăng đến hàng trăm triệu” - ông Tuấn nói chắc.
Công nghệ mai sạch
Với ông Tuấn, nước tưới và chăm sóc là hai yếu tố quyết định giúp mai bonsai phát triển nhanh và khỏe mạnh. Thông thường, chỉ cần một đến hai năm sau khi cấy ghép chồi là ông đã có thể xuất bán, trong khi những người khác cần gấp rưỡi thời gian như vậy.
Ông Tuấn rất coi trọng nguồn nước tưới. Do đó, ông thường đem nước giếng đi kiểm nghiệm để biết rõ thành phần nhằm định ra cách xử lý phù hợp. Nước phèn nhiều, ông bơm sang ao để phai bớt phèn, sau đó mới bơm từ ao lên tưới cho mai. Làm cách này, ông Tuấn tốn thêm cả triệu đồng tiền điện mỗi tháng nhưng cái được rất nhiều: Cây phát triển khỏe, tạo thuận lợi cho những công đoạn cắt cành, tạo dáng.
Những người cùng nghề trồng mai như ông Tuấn còn ngưỡng mộ ông ở cách tưới mai. Chỉ cần nhìn thân hoặc lá, ông Tuấn biết nó đang cần bao nhiêu nước. Vì vậy, dù phủ xơ dừa, vỏ đậu phụng trên gốc mai nhưng ông vẫn tưới đủ liều lượng. Ông Tuấn giải thích gọn lỏn: “Cây cũng như người, ăn uống phải điều độ chứ không thì chết vì bội thực, còn nếu cho ăn ít quá lại còi cọc. Tui bận chuyện đi xa hoặc đau ốm không ra vườn được, để bà xã hay con rể tưới ba ngày là vườn mai “có chuyện” ngay chứ chẳng chơi”.
Để chắc chắn hơn trong việc xác định độ ẩm của các tầng đất, ông Tuấn trang bị một cây sắt to bằng đầu đũa, dài chừng nửa thước. Cầm cây sắt ấy chọc sâu xuống chậu đất rồi rút lên, quan sát lượng đất bám trên cây sắt là ông có thể biết đã nên tưới cho cây hay chưa.
Thành công của ông Tuấn về mai bonsai có sự góp phần không nhỏ của cách dùng phân bón. Tuyệt đối ông Tuấn không cho mai “ăn” phân hóa học, mà nghiêng hẳn về phân hữu cơ. Ông Tuấn ví von: “Phân bón cũng như thuốc bổ cho con người. Phân hóa học được xem như thuốc Tây, uống vào thấy tác dụng ngay nhưng cũng mau phai và thường biến chứng; phân hữu cơ được xem như thuốc Nam, thuốc Bắc, ngấm dần mà hiệu quả rất cao”.
Theo ông Tuấn, mai bonsai đứng trong những chậu nhỏ, đất ít. Được bón phân hữu cơ, cây mai sẽ phát triển khỏe, sống thọ và đất được cải tạo tốt. “Cây khỏe mới tạo được dáng đẹp. Bởi để hình thành một cây mai bonsai phải qua ba công đoạn tạo dáng: Uốn nhịp một đi thẳng, khi cây mai phát triển thêm uốn nhịp hai rớt xuống một chút; đợi cây phát triển thêm mới uốn nhịp ba để có mọt cành đổ hoàn hảo” - ông Tuấn cho biết thêm.
Mua mai nhà vườn khác mang về, trước khi được tạo dáng bonsai, phải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, ông Tuấn cắt thân, giũ sạch đất và làm vệ sinh kỹ lưỡng để loại bỏ những vi sinh vật có thể gây bệnh cho cây. Sau đó, tùy từng cây, ông áp dụng chế độ chăm sóc riêng rồi mới cấy ghép chồi. Tỉ lệ ghép thành công của ông Tuấn rất cao, đến 90%. “Chồi phải được ghép chỗ đường nhựa đi lên, phần ghép phải được bọc kín để khi tưới nước không thấm vào. Cây mới ghép chỉ tưới lượng nước vừa phải và phải để trong mát, tránh bị ánh nắng làm “ra mồ hôi” - ông Tuấn nói.
Tết Ất Mùi - năm 2015 này, ông Tuấn hy vọng khoản thu sẽ còn tăng cao hơn năm trước khi trong vườn mai nhà ông đang có đến 500 chậu bonsai, trong đó có đến 200 cây đã “lọt vào mắt xanh” các thương lái trong Nam ngoài Bắc.
VŨ ĐÌNH THUNG