Tượng đài chí sĩ Tăng Bạt Hổ - công trình văn hóa nhiều ý nghĩa
Sáng 4.2, tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành tượng đài chí sĩ Tăng Bạt Hổ. Dự Lễ có các đồng chí: Nguyễn Văn Thiện - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Ngô Đông Hải - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam...
Chí sĩ Tăng Bạt Hổ là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, nghĩa khí cao đẹp. Ông tên thật là Tăng Doãn Văn, sinh năm 1858 tại An Thường, nay thuộc xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân.
Năm 1876, Tăng Bạt Hổ tham gia quân triều đình chống Pháp, nhờ có tài ông được phong Xuất đội, sau thăng chức Cai cơ chỉ huy đội quân đóng giữ cửa biển An Dũ (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn).
Hưởng ứng chiếu Cần Vương, Tăng Bạt Hổ cùng một số đồng chí bỏ đồn An Dũ mang súng đạn kéo lên vùng núi Kim Sơn, huyện Hoài Ân chiêu mộ binh lính, rèn đúc vũ khí xây dựng chiến khu chống Pháp. Ông được tôn làm Đề đốc, nghĩa quân đặt đại bản doanh tại hòn Tổng Dinh.
Tăng Bạt Hổ liên kết với lực lượng của Mai Xuân Thưởng, cùng với Bùi Điền xây dựng và củng cố khu Chóp Chài (huyện Phù Mỹ) và hai đồn tại đèo Phủ Cũ, đèo Bình Đê. Nghĩa quân đã chiến đấu quyết liệt chống trả các cuộc đàn áp của quân triều đình. Trong chiến đấu Tăng Bạt Hổ bị trọng thương, sau đó cuộc khởi nghĩa bị đàn áp.
Khởi nghĩa bất thành, Tăng Bạt Hổ vượt núi sang Lào, Xiêm, Trung Quốc, Nga tìm cách hoạt động cứu nước. Năm 1904 ông về nước, cùng với Sào Nam Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại hầu Cường Đễ tổ chức phong trào Đông Du. Năm 1906, trên đường đi vận động cứu nước, Tăng Bạt Hổ bị bệnh và qua đời tại Huế.
Công trình Tượng đài Nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ được xây dựng tại nút giao thông đường Nguyễn Tất Thành và đường Quang Trung, thị trấn Tăng Bạt Hổ, do Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư - Phát triển kiến trúc đô thị AUC triển khai thực hiện, với kinh phí trên 2,5 tỉ đồng do gia đình liệt sĩ Trần Đình Châu và bằng hữu tài trợ.
Tượng đài chí sĩ Tăng Bạt Hổ (nhóm tác giả điêu khắc gia Vũ Đại Bình thực hiện) được đặt ở vị trí có tầm nhìn đẹp, hình thành một quần thể kiến trúc của trung tâm huyện, liên hoàn giữa tượng đài nhân vật lịch sử và cảnh quan xung quanh. Công trình được khởi công ngày 6.9.2014 và triển khai thực hiện đúc đồng. Về quy mô, tượng đài có tổng chiều cao 6,1m; trong đó, phần tượng bằng đồng cao 3,4m, đặt trên bệ cao 2,2m bằng bê-tông cốt thép, bên ngoài ốp đá xanh đục nhám và họa tiết trang trí; tam cấp cao 0,9m so với mặt đường.
Điêu khắc gia Vũ Đại Bình và cộng sự đã nghiên cứu lịch sử khá nhiều về chí sĩ Tăng Bạt Hổ. Trong trang phục áo dài, khăn đóng, chân mang giày, tay phải cầm cuốn thư đưa ra trước, tay trái cầm chắc chuôi gươm đưa ra sau, hình ảnh áo choàng, dây buộc trước ngực tung bay, tượng đài toát lên tinh thần khí khái của một trí thức yêu nước. Hình tượng chí sĩ Tăng Bạt Hổ biểu hiện sức mạnh uy nguy, lẫm liệt, gợi cho người xem hình dung vị chỉ huy đang truyền lệnh đến binh lính, với quyết tâm chống giặc ngoại xâm đến cùng.
Cùng với Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ - di tích lịch sử cấp quốc gia được Bộ VH-TT&DL quyết định công nhận ngày 26.8.2013, tượng đài chí sĩ Tăng Bạt Hổ được xây dựng và khánh thành nhằm ghi nhớ công lao đóng góp của ông đối với sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đồng thời nêu cao tấm gương anh hùng hào kiệt tận tụy vì nước, vì dân để thế hệ hôm nay và mai sau học tập noi theo.
NGUYỄN CHƠN HIỀN
Cho hỏi tại nghĩa trang Tăng Bạt Hổ hoặc nghĩa trang nằm gần khu vực đồi Lại Khánh có liệt sĩ tên là: Bùi Đình Nghiêm. Quê ở Huyện Đồng Hỷ - Tỉnh Bắc Thái, hy sinh ngày 5/4/1973? Kính nhờ xem giúp. Trân trọng cảm ơn!