Sự “ảo huyền” của cuộc sống
(Đọc Tập truyện ngắn “Đêm ảo huyền” của Phạm Hữu Hoàng- NXB Hội Nhà Văn, tháng 1.2015)
Cuộc sống là hiện thực, là những gì đang xảy ra trước mắt và xung quanh ta. Nhưng nếu có lần ta thử xoay ngược thời gian để tìm về với ký ức, và đắm mình trong một miền cổ tích xa xôi nào đó. Từ một bộ nhớ “mở rộng đặc biệt”, sẽ hiển thị lên võng mạc ta những hình ảnh đầy cảm xúc. Những hình ảnh ấy đang tồn tại trong một không gian ba chiều hư ảo, ngai ngái hương thơm của hoa rừng cỏ dại. Vào lúc ấy, con mắt nhìn cũng đã điềm tĩnh và trong sáng hơn… Có lẽ Phạm Hữu Hoàng đã viết những truyện ngắn của mình trong “ngữ cảnh” như vậy. Hay nói cách khác, anh đã “huyền ảo hóa” hiện thực cuộc sống, để cái xấu bị chìm khuất trong ảo mờ và cái tốt đẹp trở nên lung linh hơn, huyền diệu hơn.
Đây là tập truyện ngắn thứ 2 của Phạm Hữu Hoàng sau tập “Vương pháp” (NXB Trẻ 2009). Vẫn với lối kể chuyện tự nhiên, nhẹ nhàng, anh nhẩn nha dẫn người đọc đi qua những sự kiện, rồi thấm dần trong suy tư với những gì anh muốn nói, muốn giãi bày. Cũng có thể người đọc sẽ không hoàn toàn đồng ý với những chi tiết anh nêu ra, nhưng rồi cứ phải bâng khuâng ngẫm ngợi sau mỗi câu chuyện, và như vậy đã là một thành công của anh.
Tập sách gồm 14 truyện ngắn được anh tuyển chọn, trong đó “Đêm ảo huyền” được dùng làm tựa đề cho cả tập. Dường như anh chọn Đêm ảo huyền không phải vì nó là truyện tiêu biểu mang phong cách chung của tập, mà có lẽ là ý đồ muốn “huyền ảo hóa” những ý tưởng xuyên suốt những câu chuyện của mình. Từ một chút chất “liêu trai” trong ấy để tạo nên nét ma mị của tình yêu, đến một sự đắm say mà đầy khí phách trong tình yêu của Chuyện nàng Linh Lan, rồi cả thứ tình yêu đầy mưu mô trong Tuyệt lộ cũng không xóa tan được vẻ đẹp của một tình yêu chân chính. Sự “ảo huyền” ấy không chỉ ở trong những câu chuyện dã sử mà còn được anh “vẽ ra” trong cuộc sống hiện đại. Nỗi ám ảnh day dứt trong Biển tím, tự nhấn chìm mình trong Cõi mê để thoát khỏi phiền lụy, tìm về một Khoảng lặng để nhận ra sai lầm của mình hay để tưởng vọng những Khoảnh khắc đã trở thành mãi mãi… Tất cả như được Phạm Hữu Hoàng “huyền ảo hóa” để ít nhất là tâm hồn mình có thể trở về với Góc quê êm đềm, nơi ấy có “những người bạn già thường qua nhà ông vui chén rượu, chén trà nói chuyện bao đồng nhưng ấm áp tình quê”… Đó chính là một cuộc sống an nhiên mà truyện của anh muốn hướng tới.
Là một hội viên kỳ cựu từ những ngày đầu thành lập Hội VHNT Bình Định, với hơn 20 năm cầm bút, điều đáng mừng là người thầy giáo dạy Văn này vẫn không hề vơi cạn niềm đam mê với văn chương. Anh vẫn lặng lẽ viết và ngày càng tìm được nhiều bạn đọc của mình.
NGUYỄN THANH XUÂN